Ông doanh nghiệp đi dạy kỹ năng sống…?

06:17 CH @ Thứ Sáu - 20 Tháng Mười Một, 2009

Hội trường, gặp đúng người….

Năm nào cũng vậy, cứ chủ nhật đầu tiên của tháng 11, hội học sinh MGU chúng tôi (Tổng hợp Lomonoxov, Matxcơva) lại tụ tập để nhớ về một thời tuổi trẻ trưởng thành nhờ Liên Xô, nhờ nước Nga vĩ đại. Không phải tất cả đều có mặt, thường là năm đến, năm không. Nhưng có một người năm nào cũng tới. Đó là anh Việt “Tròn”, hay gọi đầy đủ là Tiến sĩ Toán Lý Phan Quốc Việt. Giọng Nghệ pha nằng nặng, anh mời bạn bè và lũ đàn em chúng tôi tới dự Hội thảo “Trí tuệ cảm xúc” dành cho lớp trẻ, do Trung tâm phát triển kỹ năng con người Tâm Tâm Việt (Tam Viet Group) của anh tổ chức. Tôi giật mình ngạc nhiên: Không mấy biết về anh, những năm trước nghe nói anh là Giám đốc một công ty Nhà nước, rồi Chánh văn phòng một Tập đoàn lớn nhất nước…Ô hay, thế nào mà ông tiến sĩ toán, ông doanh nghiệp lại chuyển sang ngạch đào tạo, đi dạy kỹ năng sống?! Tôi tới dự, vì tò mò. Nhưng cái chính là thử tìm một địa chỉ học cho hai đứa con. Về mảng kỹ năng sống cho lớp trẻ, tôi đã lần mò khắp trong Nam ngoài Bắc mua đủ thứ sách cho lũ trẻ, mà không thấy hiệu quả là mấy.

Hội thảo, như sống lại một thời tuổi trẻ…

Sáu giớ tối, tôi có mặt ở hội trường tầng năm của một Trung tâm giới thiệu việc làm của TW Đoàn Thanh niên trên đường Đội Cấn, Hà Nội.Toà nhà cũ kỹ, hội trường cũ kỹ, nhưng đông nghịt người. Trên bục giảng, một tốp sinh viên say sưa hát, phía dưới, những người tham dự sôi nổi vẫy tay cổ vũ. Có cả trẻ, cả già, và những cô cậu học cấp 2. Nào đèn chiếu, nhạc sống, đạo cụ các loại, trông giống như một buổi live show, một chương trình trò chơi trên truyền hình, hay một buổi văn nghệ thanh niên, hơn là một hội thảo, lớp học. Rồi TS. Phan Quốc Việt bắt đầu giảng.

“- Bạn nào cho tôi biết, ước mơ của bạn là gì, bạn sẽ làm nghề gì trong tương lai?

* Thưa thầy, em không biết ạ.

* Có thể, như mẹ em nói, mẹ sẽ xin cho em làm ngân hàng ạ.

* Tại sao lại “không biết”, lại “có thể, như mẹ em nói”? Các bạn phải thoát ra khỏi trạng thái lờ vờ, thiếu định hướng, thiếu mục tiêu sống rõ ràng, cái gì cũng ngờ ngợ, rưa rứa. Mình phải sống “máu lửa”, hết mình, thì mới vươn lên làm giàu được. Nhiều người vượt khó làm giàu bằng chính sức mình, thì đất nước sẽ giàu lên. Các bạn có biết vì sao Việt Nam thi toán quốc tế, thi cờ vua, thi Robocon có nhiều giải vàng, giải bạc vào loại nhất, mà đất nước vẫn nghèo không? Vấn đề là mỗi chúng ta phải có định hướng đúng cho mình và cho đơn vị của mình. Nếu xác định là chúng ta phấn đấu đỡ nghèo, đỡ khổ, thì cuối cùng vẫn chỉ là đỡ nghèo hơn. Chúng ta chỉ làm được cái có trong đầu chúng ta, trong đầu chúng ta không có chữ giàu, chữ xuất sắc làm sao chúng ta giàu, chúng ta xuất sắc được. Không có nơi đến làm sao mà đi. Phải phấn đấu chúng ta sẽ giàu và giàu hơn nữa. Mỗi bạn trẻ phải xác lập cho mình một tư duy thiết kế vượt trội, tránh tư tưởng ăn đong, chụp giựt. Có nghĩa là biết tự định hướng, tìm ra mục tiêu cho mình, quyết tâm thực thi một cách quyết liệt, bằng các giải pháp tổng lực, táo bạo. Các bạn có biết vì sao ta giành thắng lợi năm 1945 và thắng nhiều nước lớn trong chiến tranh không?

* Thưa thầy, nhờ ta nắm được thời cơ ạ.

* Do ta biết giữ bí mật ạ.

* Không phải, do Bác Hồ có định hướng đúng và kêu gọi, động viên được toàn dân tộc quyết một lòng thực hiện mục tiêu đề ra. Những khẩu hiệu “Người cày có ruộng”, “Còn non, còn nước, còn người, thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay” chính là trí tuệ cảm xúc. Thế giới hiện nay đang đi từ IQ (chỉ số lôgic) sang EI (trí tuệ xúc cảm). Việt Nam ta, mà điển hình là Bác Hồ đã thực hiện điều này từ trong chiến tranh. Bây giờ trong thời bình rất cần có những khẩu hiệu thúc đẩy tuổi trẻ như: “Tổng lực, táo bạo, quyết liệt”, “Đồng thanh, đồng khí, đồng chí, đồng lòng”, “Có chí làm quan, có gan làm giàu”. Làm quan đây nghĩa là làm ông chủ, phấn đấu làm ông chủ bằng sức mình chứ không phấn đấu làm thuê. Không phải chỉ học ở nước ngoài mới tốt, học trong nước cũng rất nhiều cơ hội thành công. Đừng ngồi đó “bèo dạt…mây trôi”, rồi trách thầy, trách mẹ cha, trách lãnh đạo. Nguyễn Du là một nhà thơ lỗi lạc, một doanh nhân văn hóa thế giới. Thực ra ông còn là một nhà quản lý đại tài đã đi trước thời đại hàng mấy trăm năm. Ông đã đưa ra triết lý “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Thế giới bây giờ nói tâm (thông minh cảm xúc EQ) 80%, tài (thông minh logic)20%. Tất nhiên để thành công, sự học ở đây không chỉ là học kiến thức trong nhà trường, mà phải học cách suy nghĩ, học kỹ năng sống. Sự học là liên tục, suốt đời, học mọi người xung quanh mình.”

Tiến sĩ Việt nói như lên đồng, mồ hôi đầm đìa trên mặt, trên vai áo. Đi kèm với lời giảng là những minh chứng bằng bảng biểu, bằng những phép tính dễ hiểu, bằng ca dao, tục ngữ, bằng cả xiếc, kịch câm…Xen kẽ là những bài tập thư giãn kiểu Ấn Độ và kiểu Mỹ, những video clip, những bài hát, câu chuyện, và lời tâm sự của nhân chứng sống. Giọng hát âm vang tươi rói của bạn Thái Quốc Toản làm hội trường trở nên phấn chấn: “Đường vui nay bước thênh thang. Tâm hồn lộng gió em ơi. Xây đẹp mộng ước tương lai. Em ơi vút lên một tiếng đàn…” Chỉ nghe hát, không ai nghĩ Toản bị khiếm thị. Tôi chợt nghĩ, mình có mắt sáng, mà chắc gì đã có được tình yêu cuộc sống như Toản?! Nhà tin học trẻ bị khuyết tật Công Hùng tâm sự với các bạn trẻ bằng cái giọng sang sảng. Anh là người đã được giải thưởng Hiệp sĩ thông tin của Việt Nam và hiện là Giám đốc một Công ty hơn 100 nhân viên, dành ưu tiên cho người khuyết tật. Vẻ đẹp trí tuệ và nghị lực rạng ngời trên gương mặt Hùng, làm người nghe quên mất rằng, anh đang ngồi đó trên xe lăn, như một đứa trẻ lên hai bị khuyết tật. Học hết lớp 7, Hùng bị bệnh nặng. Từ chỗ bị đóng băng giữ bốn bức tường, anh quyết tâm thực hiện ước mơ học thật giỏi máy tính. Gìơ đây Hùng ước mơ đem được nhiều niềm vui hơn nữa cho những người có hoàn cảnh như anh. “Cảm ơn anh Hùng, Việt phải học Hùng cái chí làm chủ, để Việt thêm niềm tin xoay xở gây dựng cái trung tâm Tâm Việt này. Tất cả hội trường đứng dậy. Nghiêm! Anh Hùng làm được. Chúng ta làm được. Anh Hùng thật giỏi, chúng ta giỏi hơn!...”. Cả hội trường vung cao nắm tay. Tất cả hô to theo anh Việt- như những lời thề của người chiến sĩ trước giờ xuất kích. Cả hội trường hát vang: “Đêm nay trên đường hành quân ra mặt trận. Trùng trùng lớp lớp tiến bước theo con đường của Bác…”.

“Tại sao thời chiến chúng ta ra ngõ gặp anh hùng? Vì tận số thì cố, sắp chết cả dân tộc thì phải đoàn kết. Tại sao thời bình chúng ta không có những bài hát thúc giục thanh niên quyết chí làm giàu như thế. Phải tạo nên khí phách trẻ trong thời bình, đó chính là hào khí Việt. Chính các bạn phải tạo nên cho mình khí phách đó, tổng hòa của khẩu khí, tư thế, ý chí quyết tâm lập thân, lập nghiệp.… Đừng tự ti, cần cù là cụ thông minh. Chúng ta đã quá quen với cách dạy học sinh phải im lặng, phải khiêm tốn. Trẻ ngồi yên trong lớp thì được khen ngoan. Trẻ hiếu động, hay lý sự thì bị trù ghét. Khiêm tốn đích thực nghĩa là làm nhiều hơn nói, chứ không có nghĩa là không được ước mơ: tôi xuất sắc, tôi sẽ phấn đấu trở thành Thủ tướng, thành tỉ phú, thành đại văn hào…!”

Anh Việt nói nhiều điều về kỹ năng sống cho lớp trẻ. Đôi điều tôi đã gặp đâu đó trong những cuốn sách tâm lý giáo dục nước ngoài. Nhưng cách lập luận, chứng mình bằng thực tiễn và văn hoá Việt Nam của anh thì đúng là chẳng đâu có. “Chúng tôi kết hợp ba trường phái: máu lửa của Mĩ, thiền định của Ấn độ, thâm hậu của Tàu chuyển hóa vào cái chân chất yêu thương của Việt nam. Tâm Việt đang tạo ra trường phái “Dã Triết Kịch” – Dân dã để nhiều người hiểu, kịch tính để dễ đi vào lòng người và phải có tính triết lý cao để lưu truyền lâu dài, rộng rãi”. Cái ông tiến sĩ toán lý này đúng là giỏi nói, giỏi làm công tác tuyên truyền, đáng lẽ ông phải sang Trung ương Đoàn mới đúng! Nhưng chắc cũng phải có gốc gác gia đình chi đây mới lập ra Tâm Việt và đi làm đào tạo . Sau, hỏi ra mới biết cha anh vốn là cán bộ tuyên giáo của một công ty khai khoáng. Chị em trong nhà hầu hết đều theo ngành giáo dục. Hồi còn học ở Nga, thầy giáo và bạn bè đều gọi anh là “giáo sư”.

“Giáo sư gì đâu, chẳng qua là mình toàn ở vị trí cuối đoàn tàu nên phải cố, cố mãi rồi quen. Học ở trường quê ở Diễn Châu, Nghệ An nên tự ti lắm. Thi đại học xong, mình nói với bố cho đi công nhân, vì nghĩ là trượt rồi. Mình làm sao so được với dân thành phố, với trường chuyên, lớp chọn. Thế nào lại đủ điểm đi Nga. Lúc lên tàu sang nước bạn, mình nặng có 38 cân, chả biết chữ Nga nào, mà xung quanh thấy các bạn xì xồ cả. Sang Tasken học tiếng, sợ bị đuổi về nên học gạo. Bò ra mà học, nên được cho lên học MGU, ai cũng tưởng dân trường chuyên. Thấy các bạn ai cũng giỏi, trường thì to thế, vĩ đại thế, nên sợ quá, lại học gạo suốt ngày trong thư viện. Trường Nga đã tạo cho mình quyết tâm tự học, thầy Nga đã giúp mình phương pháp tư duy. Với lại, mình ở quê ra, thấy dân quê thiệt thòi vì ít được giao lưu. Rồi bây giờ hội nhập, người Việt mình không có kinh nghiệm giao tiếp, thiếu kỹ năng sống và làm việc, nên làm ăn kém hiệu quả. Vậy là mình mở ra Tâm Việt. “Ngũ thập tri thiên mệnh”, với mình 50 tuổi mới tìm ra cái nghiệp làm thầy, bắt đầu một nghiệp mới cái nghiệp tâm linh!”

Chưa thoả mãn lắm với câu trả lời của anh lúc giải lao, nhưng tôi lại bị hút ngay vào hội thảo với đoạn phim ngắn về cậu thanh niên Tạ Duy Anh, bị di chứng chất độc da cam từ người cha cựu chiến binh. Đã có một thời, cậu phó mặc tấm thân 75 cân cho người cha thương binh nhiễm chất độc da cam còm cõi lo lắng, chăm sóc - như chăm một đứa trẻ. Đến lớp học, sự trêu chọc của bạn cùng lớp làm cho nỗi đau của Duy Anh càng sâu hơn, và cậu trở nên chán nản. Thế rồi trong khó khăn, cơ hội đã đến. Cậu được Tâm Việt đào tạo, trở thành nhân viên trợ giảng. Hơn 3 triệu lương mỗi tháng đem đến cho Duy Anh sự tự tin, niềm hứng khởi và cậu thấy xót thương hơn, biết ơn hơn đối với cha, mẹ mình. Đèn hội trường vụt tắt. Một giọng hát sâu lắng về tình mẹ con cất lên: “Mẹ già như chuối chín cây. Gió lay mẹ rụng con phải mồ côi. Mồ côi, khổ lắm ai ơi”. Giọng TS.Việt nhẹ nhàng như lời tâm sự của các bạn trẻ: “Đã khi nào ta nghĩ tới ngày mẹ sẽ ra đi mãi, đã bao giờ ta nói lời yêu thương với mẹ cha, hay ta chỉ nghĩ đến việc xin tiền và đòi hỏi. Ta thường cáu gắt với mẹ mỗi khi mẹ mắng - kệ con, con lớn rồi…”

Có nhiều tiếng sụt sịt phía sau. Tôi nói với chị Lâm Thuý – Cán bộ Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam: “Ông Việt giỏi thật, làm lũ trẻ khóc được”. Thế nhưng, chính tôi và chị Thuý mắt lại nhoè đi, khi nghe lời hối hận ngắt quãng trong tiếng khóc của một bạn sinh viên. Em hối hận vì đã có lần em quát mẹ, vô tình với mẹ trong khi bà mẹ hàng ngày phải đi chợ bán hàng từ 3 giờ sáng để lấy tiền nuôi em.

Vĩ Thanh

10 rưỡi đêm, hội thảo kết thúc. Nhiều người đến đây chưa ăn tối, vậy mà ai cũng phấn khởi. Nhiều người đến bắt tay anh Việt: “Cảm ơn anh. Tôi sẽ mời anh đến dạy ở trường tôi”. “Thưa thầy, em muốn xin đến làm việc cho Tâm Việt”. “Tôi cứ nhầm tên trung tâm anh là Tân Việt. Nhưng đúng là có Tâm Việt thì mới có Tân Việt”. Niềm hạnh phúc bừng lên trong mắt TS Việt.

Muộn, nhưng tôi vẫn cố tranh thủ phỏng vấn thêm anh Việt và đã biết thêm nhiều điều. Không mấy ai lại bỏ những vị trí “mơ ước” như giám đốc, chánh văn phòng doanh nghiệp lớn như anh về mở trung tâm đào tạo tư. Ở cơ quan cũ, xung đột lớn 3 lần xảy ra vì anh dám chứng minh người khác là sai. Nhiều người như anh đã bằng lòng với số phận, để rồi “chân ngoài dài hơn chân trong”. Ts.Việt nghĩ khác, anh muốn tự đi, tự khẳng định bằng chính đôi chân của mình. Lúc anh về quê bằng xe buýt (thay vì ô tô con Nhà nước), lúc anh mới mở Trung tâm, bố anh (60 năm tuổi Đảng) lo lắm, mẹ anh thì khóc ròng. Nhưng giờ đây nơi chín suối, mẹ anh chắc đã yên lòng. Từ tay trắng, bỏ tiền túi đi học Kỹ năng sống ở nước ngoài, cử cán bộ đi học; rồi cùng đội ngũ gần trăm nhân viên của mình “tiêu hoá” kiến thức ngoại, kết hợp với vốn văn hoá Việt để xây dựng giáo trình, bây giờ Tâm Việt đã tổ chức được gần 3000 lớp cho cán bộ tổ chức các tỉnh thành, cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước, đặc biệt là cho lớp trẻ. “Không tiết kiệm ước mơ”, Ts.Việt với phương châm lọ mọ học hỏi, đau đáu vì thế hệ trẻ mong muốn tạo nên một trường phái mới trong văn hóa Việt, đưa môn Kỹ năng sống và làm việc vào các cấp học ở Việt Nam.

Bình luận, đánh giá về Tâm Việt và trường phái giáo dục của Ts. Phan Quốc Việt – xin nhường lời cho các nhà khoa học, nhà quản lý. Riêng tôi, xin được trân trọng gọi anh là Thầy - Thầy giáo của các con tôi và Thầy giáo của chính tôi./.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Top 10 kỹ năng mềm thiết yếu

    29/08/2009TS Phan Quốc Việt, thạc sĩ Nguyễn Huy Hoàng
    Một nghịch lý rất khó lý giảilà:Người
    Việt Nam thường đạt giải cao trong các cuộc thi quốc tế (toán, vật lý,
    cờ vua, robotcom...), nhưng lại chưa thành đạt nhiều trong công việc.
    Năm nào nước ta cũng có rất nhiều giải vàng, giải bạc quốc tế - điều mà
    nhiều nước trong khu vực phải ghen tị.
    Nhưng mỗi khi nói về năng lực của lao động Việt Nam thì chắc chắn chúng ta dừng ở một vị trí đáng buồn. Tại sao lại thế?
  • Hết mù nhưng chưa khỏi "bệnh mù"

    13/10/2008TS. Phan Quốc Việt

    Cũng như nhận định về cuộc sống của một vị sư khi tỉnh dậy trong rừng trúc đó là: “Tôi đã tỉnh giấc nhưng nhìn xuống thì thấy thế gian mở mắt nhưng vẫn say giấc nồng.” Sống mà không có định hướng, sống mà thiếu phương hướng là sống như một kẻ mù lòa...

  • Chuyện lạ có thật: Tâm Việt đào tạo cho KPMG

    23/08/2006Nguyễn Thị Phương MinhRèn như thế nào để ta có được sự mạnh mẽ từ bên trong, để mỗi giây phút của cuộc đời là những giây phút ta được sống hạnh phúc nhất? Gần 70 chuyên gia, lãnh đạo và cán bộ của Tập đoàn đa quốc gia KPMG đã tìm ra câu trả lời đó trong buổi đào tạo về Xây dựng tinh thần đồng đội tổ chức tại khu nghỉ Furama Resort - Đà Nẵng...
  • 6 kỹ năng giải quyết vấn đề

    12/07/2006Thương LinhLà một nhà quản lý, hàng ngày bạn phải tiếp cận và xử lý vô vàn những vấn đề trong công việc, trong gia đình và ngoài xã hội. Có bao giờ bạn thấy mệt mỏi và bị stress vì cứ phải gặp những vấn đề lặp đi lặp lại, từ những vụ việc đơn giản đến phức tạp?
  • “Phụ nữ phải tự lo cho mình trước”

    07/03/2006Học những kỹ năng để tạo dựng một cuộc sống gia đình hạnh phúc là việc rất nên làm. Đặc biệt, người phụ nữ với vai trò người duy trì bếp lửa trong mỗi gia đình, hơn lúc nào hết rất cần được trang bị những kiến thức này. Nhân dịp 8-3, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với TS Phan Quốc Việt, một chuyên gia trong lĩnh vực này...
  • 9 kỹ năng “mềm” để thành công

    25/12/2005Phạm Thu ThúyBạn nghĩ rằng người ta sẽ rất ấn tượng với hàng loạt các bằng cấp của bạn, một số lượng lớn các kinh nghiệm có giá trị và những mối quan hệ ở vị trí cao. Nhưng chỉ những điều đó thôi có thể không đủ để giúp bạn thăng tiến trong công việc. Bởi bên cạnh đó, bạn còn cần phải có cả những kĩ năng “mềm”...
  • Học để có kiến thức, không vì bằng cấp

    06/08/2005Tiến sĩ Phan Quốc ViệtQua cách học và cách dạy hiện nay ta có cảm tưởng rằng mục tiêu của sinh viên là học để lấy bằngvà mục tiêu của các trường cũng là dạy để cấp bằng. Thực trạng đào tạo hiện nay phản ánh khá rõ cách hiểu sai về mục tiêu đào tạo. Vì hiểu mục tiêu đào tạo là có bằng nên hiện nay các trường chỉ cố gắng cung cấp một số lượng kiến thức nhất định đủ để cấp được bằng cho sinh viên...
  • Kỹ năng sinh viên: Ngẫu hứng và... tự phát!

    09/07/2005T. VyMột cuộc thăm dò trên 2.000 SV của nhóm SV nghiên cứu marketing - Margroup (khoa Thương mại du lịch - ĐH Kinh tế TP.HCM) cho một kết quả: tỉ lệ SV “hẻo” kỹ năng giao tiếp và những kiến thức bổ sung nói chung khác ở các trường ĐH, CĐ chiếm đến 80%.
  • Một định hướng giáo dục mới: phát triển kỹ năng phát hiện và giải quyết vấn đề

    10/02/2003Một trong những vấn đề ta thường gặp ở Việt Nam là sinh viên học sinh ra trường chưa đủ khả năng sẵn sàng để đảm nhận được các công tác, chức vụ mà đáng lẽ họ phải có khả năng ứng xử độc lập. Họ phải qua một thời gian bỡ ngỡ, chới với rất dài so với thời gian cần thiết cho một sinh viên phương Tây.
  • xem toàn bộ