Quan hệ nhân quả trong khoa học

06:54 CH @ Thứ Ba - 16 Tháng Giêng, 2018

Khi nói đến quan hệ nhân quả có lẽ ít ai tưởng tượng được rằng đó là một vấn đề rất phức tạp.Phức tạp là vì nhiều lý do. Một là, trên bình diện thực tại, cần phải xem nó thuộc về phạm vi nào. Thuộc về thế giới tự nhiên của sự vật, của đồ vật, hay là về thế giới nhân vi của con người, hay là về một thế giới tưởng tượng hoặc một thế giới siêu việt nào đó. Hai là, trên bình diện tri thức, lại phải xem đó là do ta cảm nghiệm được trong đời sống thường nhật, hay là do ta đo lường và xác định một cách thực nghiệm trong hoạt động khoa học, hoặc là do ta mơ ước, suy luận trong các lĩnh vực tôn giáo và siêu hình học. Ba là, chính trong bình điền khoa học, lại cũng phải xem đó là nguyên lý nhân quả, hay là định luật nhân quả.

Vì thế, nếu không phân biệt được ba bình diện đó, không phân biệt được các nẻo đường của các bình diện đó, mà chỉ nói chung chung, nói bâng quơ về nhân quả, thì cách đặt vấn đề đã thiếu phân minh, làm sao có thể tìm ra đúng nguyên nhân của sự việc, làm sao có thể tránh được những câu giải đáp hồ đồ, vô bằng, lẫn lộn tất cả. Rồi nếu lại căn cứ vào đó mà hoạt động, thì hoạt động đó sẽ khó tránh được phiêu lưu, vô định. Cũng như bác sĩ mà chẩn đoán sai căn nguyên bệnh tật, thì thuốc chữa đã không thích hợp, lại còn có thể nguy hại nữa. Ở đây tôi không có ý bàn về tất cả các nẻo đường khác nhau đó. Cảm nghiệm thì có tính cách cá nhân, chủ cjuan, khó mà truyền thông cho người khác được. Tôn giáo thì vừa căn cứ vào cảm nghiệm và quan niệm về nhân sinh, tuy có thể truyền thông ít nhiều, nhưng lại vừa tuỳ thuộc vào đường lối suy luận và quan niệm khởi đầu của riêng từng tông phái. Ở đây tôi chỉ có ý bàn về phương pháp khoa học, vì lẽ rằng tính cách thực nghiệm của nó chủ trương dùng minh chứng và kiểm chứng, làm cho ai nấy đều vừa có thể chắc chắn về điều mình biết, lại vừa có thể đồng ý với người khác về những sự kiện đo lường được và xác định được.

Ngoài ra tôi lại còn hạn hẹp thêm nữa vào cái mà người ta thường gọi một cách hàm hồ là "luật nhân quả". Vì nó hàm hồ từ chữ "luật" cho đến quan hệ giữa "nhân" và "quả”. Có phân biệt được phân minh, thì mới hiểu được xác đáng là mình nói về cái gì, và nói lên những gì. Sau cùng tôi sẽ lấy những cái sở đắc đem áp dụng vào việc nghiên cứu con người.

Hai thứ luật

Triết học Hi Lạp thời Thượng cổ đã phân biệt ra trong trời đất có hai loại sự vật: Một là loại tự nhiên, ta không làm ra nó, ta thấy nó có sẵn như thế, không biết nó từ đâu ra và có mục đích gì, hai là loại nhân vi, hay là nhân tạo, do con người ta làm ra, theo như mục đích, dự định và hy vọng của mình. Cho nên khi nói đến các luật thì người ta cũng phải phân biệt ra hai thứ luật khác nhau: luật tự nhiên và luật nhân vi.

Luật tự nhiên

Luật tự nhiên là luật điều hành các hiện tượng trong trời đất, ta khám phá ra nó, ta thấy nó tự nhiên có như thế, như cái lý đương nhiên, không tuỳ thuộc vào ý muốn, quyết định hay mơ ước của con người, cho nên cả những người có quyền thế, dù có thể bắt ép được người yếu thế làm thế nọ thế kia, cũng không thay đổi được luật tự nhiên.

Tìm ra các luật tự nhiên tức là mô tả được sự vận động của vạn vật trong trời đất. Người ta thường căn cứ vào kinh nghiệm đã có trong quá khứ để nhận định ra như thế, và để tiên đoán về tương lai, rồi tuỳ theo đó mà trù tính và hành động. Tri thức khoa học khác cái hiểu biết thông thường ở chỗ là làm công việc nhận định đó một cách có phương pháp và có phép kiểm chứng hẳn hoi.

Người ta tựa vào những điều sở đắc của khoa học mà sáng chế ra kỹ thuật, để có thể can thiệp một cách hữu hiệu vào thiên nhiên, tự nó vốn vô hình đối với các dự định, mơ ước của con người. Ta không đổi được các luật tự nhiên, nhưng cái thẩn tình của kỹ thuật là ở chỗ ta có thể khôn khéo áp dụng định luật này để vô hiệu hoá hiệu quả của định luật kia, và giao thoa các định luật để thực hiện những dự định lạ lùng mà nếu để tự nhiên thì không bao giờ thành: Thực vậy, nếu trong truyện kiếm hiệp người xưa mơ màng đến phép độn thổ, phép phi hành, phép đằng vân giá vũ, thì ngày nay chúng ta đã có tầu ngầm để lặn dưới nước, có máy bay để bay trên trời, có xe hơi, xe lửa để rút ngắn con đường thiên lý, có điện thoại, điện tín, để đàm đạo với người ở xa.

Vì khoa học có uy tín như thế, cho nên có nhiều người, tuy là nói về những phạm vi ngoài khoa học như tôn giáo, chính trị, luân lý, nhưng cũng lên tiếng phân phô rằng lập trường của mình là dựa vào kinh nghiệm, là hợp với khoa học, thậm chí còn là khoa học đích thực nữa.

Tóm lại, ở trong phạm vi các luật tự nhiên này, người ta chỉ mô tả thôi, chứ không đặt vấn đề về nguồn gốc, xem ai đã thiết lập ra định luật như thế, xem nó có bó buộc phải làm thế này hay phải làm thế kia. Mà chính kỹ thuật, thần tình như thế, cũng không có tính cách bó buộc tuyệt đối có chăng thì chỉ bó buộc với điều kiện: Nếu muốn làm được cái này thì phải làm thế kia...

Luật nhân vi

Luật nhân vi là luật do con người làm ra, do người ta quyết định, chỉ định, ấn định. Nó không có tác dụng gì đến sự vận động của tự nhiên của trời đất. Nó có mục đích là định hình cho hành vi của con người trong khuôn khổ luân thường đạo lý trong cuộc sống chung trong xã hội. Nó nhằm về tương lai. Vì thế nó không mô tả vạn vật trong trời đất, cũng không mô tả hành vi của con người trong quá khứ như trong khoa xã hội học nhưng nó là lệnh truyền, nó tạo ra khuôn phép cho người ta phải theo.

Luật nhân vi có mấy đặc tính sau đây:

Một là: Vì không phải tự nhiên như thế, cho nên có thể đặt câu hỏi về nguồn gốc: Ai đã đặt ra luật? Ai có quyền đặt ra luật?

Trước đây thì những người có quyền thế như vua chúa, thường đặt ra luật bắt thần dân phải theo, ai không theo thì phải phạt. Nếu là chúa hiền thì thần dân được hưởng an lạc, nếu là bạo chúa thì thần dân phải chịu khổ. Muốn cho người ta dễ chấp nhận thì người làm ra luật thường hay cao tuyên rằng mình theo mệnh trời mà trị dân, rằng mình theo hướng đi tất yếu của lịch sử mà ai nấy phải theo.

Cũng có khi người ta giải thích rằng luật luân lý cũng như luật Nhà nước, đều là luật tự nhiên cả, vì cùng là do cái lý điều hành tất cả thiên địa nhân. Những như thế là không phân biệt luật tự nhiên và luật nhân vi, nghĩa là coi luật trong xã hội cũng là bất di bất dịch và có tính cách cưỡng bách như luật tự nhiên. Nếu ta không chấp nhận những lối giải thích như thế, thì chỉ còn một lối là chủ trương dân chúng phải đặt ra luật. Nhưng như thế cũng chưa hết vấn đề, vì dân chúng có thể mỗi người đi một ngả tuỳ theo sở thích và tư lợi. Nếu có người được bầu làm đại diện cho dân chúng, thì người đó lại cũng có sở thích và tư lợi của mình, cho nên chắc gì họ sẽ đặt ra luật để phục vụ cho công ích? Nhưng đây là vấn đề khác, cần phải đặt ra trong phạm vi luân lý học, đạo đức học và trong lý thuyết về Nhà nước.

Hai là: Luật nhân vi không có tính cách tuyệt đối. Chính vì nó không phải tự nhiên có mà do con người đặt ra, cho nên nó cũng có thể do con người thay đổi hay phế bỏ đi, như ta thường thấy trong đời sống xã hội. Khi có những thay đổi làm chuyển hướng cho vận mệnh con người thì ta gọi là "cách mệnh (mạng)".

Ba là: Luật nhân vi nhìn nhận rằng hành vi của con người có một sắc thái mới, một phẩm chất mới, khác hẳn các hiện tượng tự nhiên. Quả vậy, nếu luật tự nhiên chỉ mô tả sự vận động một cách vô tình, vô tội vạ của sự vật trong trời đất, thì luật luân lý hay là luật nhà nước có tác dụng là đánh giá tính cách thiện hay ác của hành ví. Ví dụ khi đứng trước một tai nạn giao thông thì nhà vật lý học có thể tìm ra các nguyên nhân vật lý làm cho có người thiệt mạng, nhưng trên bình diện pháp lý và luân lý, người ta tìm xem ai đã gây ra tai nạn, và người đó vô tình hay là hữu ý gây ra như thế, rồi xác định và phê phán đó là ngộ sát hay là cố sát.

Bốn là: Nếu luật tự nhiên điều hành sự vật có tính cách tự nhiên, thì luật nhân vi đặt ra cho con người có tự do, tự chủ, tuy có gò bó, đòi người ta phải theo, nhưng lại không gò bó một cách tất nhiên như thế. Không những là vì, như vừa nói trên đây, nó không có tính cách tuyệt đối và có thể phế bỏ được, mà còn vì trong thực hành người ta rất có thể không tuân theo, hoặc là vì có tinh thần bất khuất, vì cứng đầu không chịu theo, hay là vì muốn gian dối, hoặc là vì coi đó là luật bất công, vô đạo. Vì thế kèm theo luật nhân vi người ta thường có lời khen chê, hay là phép thưởng phạt. Đó là điều không có trong các luật tự nhiên.

Nhưng lời khen chê hay phép thưởng phạt lại cũng không có tính cách tất nhiên, không cưỡng bách được tự do con người. Thực thế, có người vô tội nhưng vẫn bị phạt oan, vì quan toà ăn hối lộ, có người ăn ở vô đạo, phạm đến phép nước, đến người khác, thế mà được bỏ qua đi. Mà như thế có thể là vì đút lót với quan trên, hoặc là vì người có quyền muốn để dành đó để tố giác sau này, cũng có thể là vì người khác có lòng nhân, rộng lượng tha thứ. Muốn giải thích cho hợp tình hợp lý, có người dựa vào tôn giáo mà nói đó hoặc là vì kiếp trước đã vụng đường tu, hoặc là rồi thế nào cũng sẽ trả "nợ chồng kiếp sau”. Và cứ theo quan niệm nghiệp báo khắt khe như luật tự nhiên ấy mà suy ra, người ta có thể nghĩ rằng không nên giúp đỡ kẻ bần cùng, cũng không thể hiểu sao có người lại rộng lượng tha thứ cho người khác, vì đã chắc rằng kẻ đó thế nào rồi cũng phải trả cho hết nợ trong kiếp này hay kiếp sau.

Quan niệm như thế tức là cho rằng thế giới của con người cũng có tính cách tất nhiên, không khác gì thế giới tự nhiên. Biết đâu quan niệm "vô ngã" lại đã chẳng góp thêm phần vào chủ trương cho rằng thế giới con người cũng chẳng khác gì thế giới tự nhiên khống có tất xấu, không cần có tha thứ hay thưởng phạt gì cả? Nhưng đây là một vấn đề khác cần phải được đào sâu hơn.

Quan hệ nhân quả

Vấn đề ở đây không phải là tin hay là không có nhân quả. Vì đây không phải là một khám phá thần tình của các bậc thượng trí siêu phàm. Đây là một quan hệ thông thường trong đời sống hàng ngày, tuy không cần phải đề xướng lên một cách trịnh trọng, nhưng ai nấy đều mặc nhiên chấp nhận trong khi hành động. Thực vậy, ta biết rằng khi ta nói gì, làm gì, thì đều có tác động, có hiệu quả đến người nghe, đến người đối diện với ta, cho nên ta lựa lời mà nói, cân nhắc việc làm để đạt mục đích. Khi ta sử dụng sự vật bên ngoài, thì ta biết rằng sự vật vận động một cách khá điều hòa: hễ có hiện tượng này thì chắc sẽ có hiện tượng kia. Nếu phản ứng của người khác hay là của sự vật đều không nằm trong khuôn khổ điều hòa, liên quan giữa cái trước với cái sau, giữa nguyên nhân và hậu quả, thì ta không thể có dự định gì hết trong cuộc sống này.

Ngược lại, có nhận định ra quan hệ nhân quả, ta mới có thể hiểu được sự vận động của sự vật, nếu sự vật và người xung quanh đều xuất hiện, vận động hay là phản ứng một cách hoàn toàn ngẫu nhiên, mỗi lúc mỗi khác, một cách vô cớ, vô lý thì trời đất chỉ là một mớ hỗn độn, ta vừa không hiểu được ra sao, vừa không thể tính toán, xoay xở gì được. Nói khác đi, nhận định ra quan hệ nhân quả là điều sở đắc quan trọng của trí khôn con người.

Ngoài ra ta cũng mặc nhiên chấp nhận rằng sự vật vận động một cách điều hòa, không thất thường. Nếu quan hệ nhân quả lại thất thường, nay thế này, mai thế khác, thì nó thật là bí mật, có nó hay không có nó thì cũng thế, vì ta không thể nào trù tính gì được. Như thế có nghĩa là hai nguyên lý nhân quả và điều hòa đi đôi với nhau mà làm thành nguyên lý tất định, là nền tảng cho khoa học tìm ra các định luật khoa học.

Riêng về quan hệ nhân quả - từ đây ta hiểu là nó đi đôi với nguyên lý điều hòa ta cần phải phân biệt một cách rõ ràng hai phần: một là nguyên lý nhân quả, hai là định luật nhân quả.

Nguyên lý nhân quả tổng quát

Nguyên lý nhân quả là cái lẽ mà ta chấp nhận ngay từ đầu, một cách chung chung, tổng quát, nghĩa là chưa áp dụng vào cái gì cụ thể cả. Có thể đề xướng ra một cách tiêu cực như thế này: không có gì xảy ra mà lại không có nguyên nhân (duyên cớ). Lại cũng có thể đề xướng ra một cách tích cực như sau: Cái gì cũng có nguyên nhân.

Dĩ nhiên là nguyên lý này tựa vào kinh nghiệm của ta, nhưng xét là một nguyên lý có tính cách tổng quát, thì nó không phải hoàn toàn là do kinh nghiệm của ta mà ra. Thực thế, nguyên lý thì bao trùm tất cả mọi sự việc, nhưng đời sống và kinh nghiệm của ta và của cả nhân loại thì lại có hạn: chưa bao giờ ta có kinh nghiệm được hết tất cả mọi sự việc trong trời đất, để có thể nói tóm tất cả lại rằng bất cứ cái gì cũng có nguyên nhân.

Nguyên lý ta đề xướng lên có tính cách tổng quát, vượt ra ngoài tầm kinh nghiệm của ta. Có thể tầm mắt của ta mới có thể mở rộng ra bên ngoài kinh nghiệm hạn hẹp của ta. Có thể ta mới nảy ra ý định tìm ra những điều mới và có thể tiến bộ. Nếu ta chỉ hạn hẹp vào kinh nghiệm sở đắc mà thôi, thì thế giới sinh hoạt của ta cũng hạn hẹp và ngừng trệ lại.

Tuy nguyên lý nhân quả quan trọng, nhưng nó chỉ nói lên một cách chung chung, như là một hình thức trống rỗng, chưa có nội dung gì cụ thể, cho nên chưa nói lên được cho đích xác cái gì là nguyên nhân, cái gì là hậu quả. Muốn nói lên được cho đích xác, không thể lý luận suông trong phạm vi nguyên lý, mà phải đưa nguyên lý áp dụng một cách có phương pháp vào kinh nghiệm về từng loại đối tượng, để đi tới những định luật nhân quả phải có phương pháp mới được. Thực vậy, không phải vì lẽ bất cứ cái gì cũng có nguyên nhân, mà ta có thể gán bất cứ nguyên nhân nào cho bất cứ sự kiện nào. Vấn đề là phải đặt ra phương pháp kiểm chứng để xác định quan hệ đích thực giữa nguyên nhân loại này với hậu quả loại kia.

Trước khi bàn về định luật nhân quả, thiết tưởng cũng nên nhắc qua đến bốn nguyên lý mà triết gia Hi Lạp Aristoteles (384 - 322 TCN) đã đưa ra để tìm hiểu vạn vật. Theo ông thì có hai nguyên lý nội tại, là hình thể và chất thể và hai nguyên lý tại ngoại là nguyên nhân và mục đích. Dần dần người ta cho rằng hình thể và chất thể thuộc về phạm vi trừu tượng của suy luận triết học. Còn nguyên lý mục đích, thì có liên quan đến dự định của con người ta, cho nên có phần chủ quan. Vì thế khoa học thục nghiệm, nhằm đi tới tri thức khách quan, chỉ hạn hẹp vào việc truy tìm nguyên nhân, theo nguyên lý nhân quả mà thôi, hơn nữa lại chỉ dùng nó trong phạm vi mà ta có thể đo lường, so sánh và kiểm chứng được mà thôi. Đó là phương pháp dùng trong khoa học về các sự vật tự nhiên, phạm vi của vật lý học (tìm cái lý trong sự vật). Sau này đến khi nghiên cứu về con người, môi thấy là không thể bỏ qua tư , tưởng và dự định (mục đích) của chủ thể.

Địnhluật nhân quả riêng tư

Quan điểm khoa học

Ai nấy đều mặc nhiên chấp nhận quan hệ nhân quả và áp dụng một cách tự nhiên trong cuộc sống, mà không mấy khi suy luận cho thấu đáo. Trong các truyện thần thoại, các truyện cổ tích, ta thường thấy các dân tộc giải thích nguyên nhân các hiện tượng trong trời đất theo nhiều lối khác nhau, rồi thế hệ trước dạy lại cho thế hệ sau, mà ít ai kiểm chứng. Có người nói đến quan hệ nhân quả giữa sự việc ở kiếp này với sự việc ở kiếp khác, giữa sự việc có tính cách vật chất có thể đo lường được với sự việc không đo lường được. Làm như thế tức là có áp dụng nguyên lý nhân quả - có người cho là do các bậc thượng trí trực giác được và dạy cho ta - nhưng đó không phải là những định luật khoa học, vì nó ở ngoài phương pháp khoa học.

Quan điểm khoa học thì khác. Khoa học không có chân lý gia truyền hay bí truyền, mà cha mẹ, sư phụ hay là bậc thượng trí nào đó đóng cửa dạy cho con em, cho đệ từ ngoan ngoãn, bảo sao nghe vậy. Những điều nói lên trong khoa học thì có tính cách công cộng. Nó không phải là do thần nhân, thần linh hay Trời Phật dạy riêng cho tín đồ trong môn phái mà do người ta thoả thuận với nhau về phương pháp để kiến tạo, sao cho ai nấy đều có thể kiểm chứng và đồng ý. Uy tín của người trên không phải là tiêu chuẩn ở đây.

Mục đích là tìm biết sự vật cho đích xác hết sức, là nhắm tới tri thức khách quan. Có khi ta tưởng rằng biết một cách khách quan có nghĩa là sụ vật tự nó như thế nào thì mình biết đúng như thế, chứ không phải là biết theo như thiên kiến, theo như cảm giác hay là quan niệm chủ quan. Nói cho đúng ra, ta chỉ có thể biết được sự vật qua giới hạn của giác quan, của cơ cấu trí khôn ta. Ta thấy sự vật có ngũ sắc: xanh đỏ trắng vàng đen, hoặc là nóng hay lạnh. Nhưng ta cũng biết là có những người không phân biệt được mầu xanh với mầu đỏ, lại có khi ta thấy nóng mà người khác lại không thấy nóng. Như thế rõ ràng là có chủ quan, nhưng ta đã là chủ thể, thì làm thế nào lại có thể biết ngoài cảm giác và quan điểm của chủ thể được?

Vì thế cho nên quan điểm khách quan của khoa học không phải gạt bỏ đi tất cả các yếu tố liên quan đến chủ thể, coi như là không có chủ thể mà đã không có chủ thể thì còn ai là kẻ biết? nhưng là hạn hẹp những yếu tố về phẩm, thường nặng về chủ quan, như mầu sắc, nóng lạnh, chua cay... để đồng ý với nhau về lượng. Ví dụ thay vì bất đồng ý kiến về mầu sắc, thì thoả thuận với nhau về tần số của làn sóng ánh sáng (quang ba), thay vì nói đến cảm giác chủ quan nóng hay lạnh, thì nói nhiệt độ đã được là bao nhiêu độ...

Ta biết người xưa, Âu cũng như Á, khi bàn về trời đất thì thường nhận định về phẩm. Các triết gia Hi Lạp cũng như Ấn Độ thời Thượng cổ cho rằng thành phần của trời đất là tứ đại: địa, thủy, hỏa, phong, hay là: đất, nước, lửa, khí (không khí). Người Hi Lạp cho rằng bốn thành phần đó có những đặc tính đối chọi với nhau: ướt đối với khô, lạnh đối với nóng. Đất thì khô và lạnh, nước thì ướt và lạnh, lửa thì khô và nóng, khí thì ướt và nóng. Riêng người Trung Hoa cổ cũng có cái nhìn về phẩm tương tự như thế thay vì tứ đại thì họ noi ngũ hành, là kim, mộc, thủy, hỏa, thổ, mà ngũ hành thì có liên quan, liên quan bí mật thế nào không rõ, đến ngũ phương, ngũ sắc, ngũ vị, ngũ tạng. Đó là những quan niệm về thiên nhiên theo cái nhìn về phẩm, tiếng Pháp gọi là Physique qualitative. Những cái biết như thế về phẩm, như tứ đại, ngũ hành hay là âm dương... chỉ là suy luận, không có phương pháp kiểm chứng, không đưa tới kỹ thuật gì hữu hiệu. Trái lại, khoa học chủ trương xét theo lượng, cho nên học về thiên nhiên theo quan điểm lượng, căn cứ vào đo lường, tức là Physique qualitative, tức là khoa mà ngày nay ta gọi là vật lý học.

Điểm quan trọng một cách cơ bản trong khoa học, đó là phép đo lường. Vẫn biết là ta không bỏ được cảm giác chủ quan về không gian dài ngắn, về thời gian lâu mau, và về trọng lượng nặng nhẹ. Nhưng khoa học đòi ta phải thoả thuận với nhau để xác định ra đơn vị để đo lường, để khi ta nói ra thì ai cũng hiểu được như nhau, mà không phải căn cứ vào cảm giác chủ quan không chính xác. Ví dụ khi ta nhúng tay vào nồi nước, thì ta chỉ có cảm giác là nóng, nóng hơn, lạnh, lạnh hơn, khó đồng ý với nhau, nhưng nếu ta đem cái hàn thử biểu nhúng vào nước, ta trông vào đó sẽ dễ dàng đồng ý là nóng 80oC, hay là 90oC là lạnh 4oC hay là 6oC.

Như thế là ta dùng các dụng cụ đo lường để ước lượng thay cho các giác quan. Tuy vậy đời sống thường nhật của nhà khoa học vẫn là thế giới thông thường do cảm giác đem lại. Những cái ta không có cách nào thực nghiệm để đo lường thì không thuộc về phạm vi khoa học thực nghiệm, ví dụ như thế giới tâm lý, thế giới tâm linh, thế giới bên kia, kiếp trước, kiếp sau, thế giới thần linh, thế giới của tưởng tượng, của giấc mơ... Cho nên khi nói về những thế giới như thế, người ta không có quyền nói nó hợp hay là không hợp với khoa học, vì nó thuộc về các lĩnh vực khác, không thể lẫn lộn được với khoa học.

Sau khi các sự kiện đã được phân loại và đo lường, thì người ta dùng phép quy nạp để rút ra những định luật nhân quả, nói lên cho đích xác cái gì là nhân, cái gì là quả, và hai cái nhân, quả ấy tăng giảm tương đối với nhau như thế nào. Ta gọi đây là định luật riêng, là vì nó áp dụng nguyên lý nhân quả tổng quát vào những phạm vi và đối tượng riêng.

Cũng cần phải nói thêm rằng các định luật khoa học là do người ta tạm thời phỏng đoán như thế để mô tả sự vận động của sự vật. Tạm thời, là vì hễ có một sự kiện nào môi không theo quí luật đó, thì sự kiện như thế không đổi được, mà trái lại phải sửa đổi định luật đi cho hợp với sự kiện mới. Nói tóm lại là tuy thiên nhiên vận động một cách tất yếu, nhưng định luật nhân quả chỉ là tạm thời, chứ chưa có giá trị dứt khoát.

Phương pháp truy tìm quan hệ nhân quả

Như đã nói trước đây, cái gì cũng có nguyên nhân, nhưng không phải vì thế mà khi tìm hiểu một sự kiện nào đó, ta có thể gán cho nó bất cứ nguyên nhân nào. Vấn đề là phải tìm, cùng trong một phạm vi thí nghiệm như nhau, cho biết quả này thì phải là do nhân nào. Theo như nhà triết gia khoa học người Anh, là John Stuart Mill (1806 - 1873), thì phép quy nạp cũng chính là phép truy tìm quan hệ nhân quả. Phép đó cơ bản chủ trương dùng mấy phương pháp sau đây:

Một là phương pháp tương đồng. Khi nhiều trường hợp của một hiện tượng mà ta nghiên cứu đều cùng có một yếu tố như nhau, thì yếu tố này được coi là nguyên nhân của hiện tượng ấy. Ví dụ: một số khách ăn trong một quán cơm bị đau bụng tháo dạ, khi điều tra, ta thấy là họ đã ăn nhiều món khác nhau, nhưng có một món mà tất cả họ đều ăn, là món gỏi cá, vậy theo phương pháp tương đồng, ta kết luận: món gỏi cá là nguyên nhân của cơn đau bụng đó.

Tuy vậy nếu chỉ có một phương pháp này, thì kết luận có thể là đúng, nhưng chưa chắc là đúng hẳn. Ví dụ trong một buổi tiếp tân ta thấy có một số người say sưa nói nhảm, khi điều tra, ta thấy người này thì uống rượu ta (rượu đê) pha nước, người kia uống whisky pha nước, người khác thì uống mai-khôi-lộ pha nước, người khác nữa lại uống sake của Nhật Bản cũng pha nước, theo phương pháp tương đồng ta kết luận: nước là yếu tố chung cho các trường hợp đó, cho nên nước là chính nguyên nhân cho cuộc say sưa trên đây. Nhưng theo lương tri mà xét thì thấy không ổn? Vì thế cần phải có thêm mấy phương pháp nữa.

Hai là phương pháp dị biệt. Nếu hiện tượng ta quan sát xuất hiện trong trường hợp này mà không xuất hiện trong trường hợp kia, đồng thời ta lại thấy hai trường hợp đó có nhiều yếu tố như nhau, trừ có một yếu tố là có trường hợp này mà không có trong trường hợp kia, thì ta có thể là nguyên nhân, hay hậu quả, hay một thành phần của hiện tượng nói trên.

Đem áp dụng phương pháp này vào ví dụ đưa ra sau cùng trên đây, ta lại thử cho người ta uống nguyên chất các thứ rượu kể trên đây mà không pha nước, nếu thấy người ta không say sưa gì cả, thì ta có thể chắc chắn rằng nước chính là nguyên nhân làm cho mọi người say sưa!

Cái mà J.S. Mill gọi là phương pháp thứ ba, không có gì mới lạ cả: Đó chỉ là dùng cả hai phương pháp 1 và 2, như ta vừa làm mà thôi.

Bốn là phương pháp tạm gọi là dư tồn. Nếu trong hiện tượng H mà ta quan sát có nhiều thành phần, như: A, B, C, mà các thành phần đó đã được ta nhận định, theo các phương pháp trước đây, như là hậu quả của các thành phần P, Q, R, trong nguyên nhân N, thì thành phần D, còn lại trong hiện tượng H, có thể coi là hậu quả của thành phần S, còn lại trong nguyên nhân N.

Năm là phương pháp tăng giảm đồng thời. Khi ta tăng hay giảm một hiện tượng, mà thấy có hiện tượng khác cũng đồng thời tăng giảm, thì tức là hai hiện tượng ấy có quan hệ nhân quả với nhau, hay cùng là hậu quả của một nguyên nhân khác. Có điều cần phải chú ý: Các phương pháp trên đây, dù sao, cũng chỉ là nhìn theo bề ngoài. Đáng lý ra, càng tìm được nhiều yếu tố tương đồng thì quan hệ nhân quả càng vững. Thế nhưng rất có thể là những yếu tố tương đồng đó chỉ là ngẫu nhiên, chứ không chắc đã là do quan hệ nhân quả. Ví dụ có hai ông bác sĩ. Ông Ất nói: các bệnh nhân mà tôi điều trị thì đều dùng một thứ thuốc viên mầu đỏ, nặng 4 g, cùng do một hãng bào chế, cùng mua tại một hiệu thuốc, cùng do một cô hàng gói trong bao giấy xanh, các người đó đều lành bệnh cả. Trái lại ông Bính nói: các người bị bệnh A mà tôi điều trị, đều uống thuốc cùng một chất hoá học B như nhau, và họ đều khỏi cả. Ta thấy tuy ông Bính không đưa ra được nhiều yếu tố tương đồng như ông Ất, nhưng liên quan nhân quả có phần đúng hơn, vì nó thích hợp hơn. Vấn đề khó khăn là làm sao phỏng đoán được yếu tố thích hợp. Thiếu nó thì khi thực nghiệm có tìm ra bao nhiêu yếu tố tương đồng, cũng chỉ là bì phu chi ngoại, không đi đến đâu cả.

Nhận xét về quan hệ nhân quả

Có một số triết gia trong truyền thống tư tưởng duy nghiệm nước Anh chủ trương rằng kinh nghiệm không thể cho ta biết có quan hệ nhân quả hay không. Vì lẽ rằng ta chỉ thấy hiện tượng này và hiện tượng kia rất nhiều lần đi đôi với nhau, hoặc là đi theo nhau, cho nên từ đó ta nảy ra mềm tin chủ quan là hiện tượng này sinh ra hiện tượng kia mà thôi. Nhưng đã có người khác hỏi vặn lại: Đã đành như vậy là hiện tượng này không phải là nguyên nhân sinh ra hiện tượng kia, nhưng ít ra thì người vừa phủ nhận quan hệ nhân quả, cũng đã công nhận rằng chính cái việc quan sát hai hiện tượng thường đi đôi với nhau đã sinh ra trong đầu óc của ta cái niềm tin chủ quan rằng hai sự kiện có quan hệ nhân quả với nhau!

Đó là những suy luận có tính triết học. Còn lập trường khoa học thì đứng trong phạm vi thực nghiệm, cho nên cũng dần dần bỏ không nói đến quan hệ nhân quả, vì khó mà nói cho đúng cái gì sinh ra cái gì. Thực vậy, mỗi khi có một hiện tượng xuất hiện, thì ta thấy phải có nhiều điều kiện đi trước, mà không điều kiện nào có thể được gọi là nguyên nhân duy nhất cả. Vì thế muốn nói cho chính danh, thì phải đổi lại, phải chỉnh danh: không nói đến nguyên nhân, nhưng nói đến điều kiện.

Có hai thứ điều kiện: Một là điều kiện đủ. Trong trường hợp hễ có A thì cũng có B, ta gọi A là điều kiện đủ để có B. Hai là điều kiện cần, đó là điều kiện không có không được. Trong trường hợp hễ không có M thì cũng không có N, ta gọi M là điều kiện cần của N. Nhưng cũng trong trường hợp này, nếu có M thì chưa chắc là có N, vì M không phải là điều kiện đầy đủ của N. Ví dụ, dưỡng khí trong không gian là điều kiện tất yếu, không có không được, để gây ra hỏa hoạn, nhưng nó không phải là điều kiện đầy đủ để gây ra cháy nhà.

Khoa học chỉ cần biết như thế, chứ không cần dùng đến từ ngữ nguyên nhân có tính cách triết học. Và khi áp dụng khoa học vào kỹ thuật, nếu muốn tạo ra một hiện tượng nào đó, người ta tìm cách đặt ra điều kiện đủ của nó. Còn khi muốn tránh không cho một hiện tượng nào đó xảy ra, thì chỉ cần gạt bỏ đi một điều kiện cần mà thôi. Ví dụ muốn tránh hỏa hoạn chỉ cần tránh không cho ai châm lửa, không cho giây điện chạm nhau nảy lửa, hay là... rút hết dưỡng khí trong không gian đi!

Trong đời sống thường nhật, người ta vẫn hay nới đến nguyên nhân, nhưng thường chỉ có ý hiểu là điều kiện đã làm cho hiện tượng nào đó bộc phát, chứ không có ý nói đến tất cả các điều kiện. Ví dụ khi tìm nguyên nhân của một hỏa hoạn thì người ta có ý hỏi ai đã châm lửa, dây điện chạm nhau bật lửa như thế nào, chứ không ai nói đến dưỡng khí luôn luôn có trong không gian, tuy nó là điều kiện tất yếu.

Riêng trong khoa học thực nghiệm về thiên nhiên, thì ta biết tuy phải tìm tòi cho có phương pháp nhưng các định luật lại không có tính cách tất yếu, vì những kinh nghiệm đã đưa ta đến các định luật thì có hạn, mà định luật đã được ta tổng quát hoá thì lại bao gồm vô số những trường hợp mà ta không thể nào gặp hay là thí nghiệm được hết. Cho nên các nhà khoa học đều công nhận rằng theo lý thuyết nó chỉ có giá trị tạm thời. Vì thế những ai muốn chủ trương tư tưởng của mình là chân lý vững chắc, thì thiết tưởng không nên cho nó cái nhãn hiệu là khoa học, nhất là khi chính mình lại không theo phương pháp khoa học thực nghiệm.

Có hai điều đáng chú ý về sự khác nhau giữa lý thuyết và thực hành. Một là nếu vật lý học nghiên cứu về các vật cỡ lớn, thì ta thấy các định luật thường là những công thức, những tỷ lệ khá đơn sơ, rất dễ cho việc tính toán, nhưng khi nghiên cứu những vật cỡ nhỏ như ở cấp điện tử, thì các định luật lại rất phiền toái, không chính xác và chỉ có giá trị thống kê mà thôi. Tuy vậy, trong đời sống thường nhật ta vẫn áp dụng các định luật khoa học một cách xuôi chảy vào các vật cỡ lớn. Hai là tuy rằng theo lý thuyết các định luật khoa học chỉ là tạm thời, nhưng trong thực hành ta cũng lại thấy nó rất vững, có thể áp dụng rất hữu hiệu vào việc sáng chế các thứ máy móc tinh xảo. Và đó là hai điều rất lạ, ta chưa biết vì sao lại như vậy.

Để kết luận tạm thời tôi xin tóm lại ba nhận xét:

1) Cần phải phân biệt quan niệm khoa học thực nghiệm với những quan niệm khác, không theo phương pháp thực nghiệm và không có kiểm chứng một cách công cộng.

2) Chính trong phạm vi khoa học cũng cần phải phân biệt nguyên lý nhân quả với định luật nhân quả, đồng thời hạn chế định luật này vào những sự vật mà ta đo lường được.

3) Sau cùng, lại cũng cần phân biệt thế giới tự nhiên với thế giới con người, vì nếu ta có thể giải thích được thế giới sự vật bằng quan hệ nhân quả, thì trong thế giới con người, ta còn phải kể đến cảm giác và cái nhìn chủ quan, đến tự do và những ảo tưởng, hy vọng và dự định có liên quan đến luân thường đạo lý.

Nhưng đây lại là một vấn đề khác, vì nếu thế giới con người không hoàn toàn như thế giới tự nhiên thì phải có tiêu chuẩn riêng trong khoa học con người, để xác định thế nào là sự kiện, là định luật, là lý thuyết và những thứ đó có giá trị đến đâu.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Sự thay đổi 4 nguyên tắc cơ sở trong tư duy khoa học cổ điển và hiện đại

    12/02/2017Sau năm 1900, tư duy khoa học đã chuyển từ tư duy cơ giới sang tư duy khoa học mới...
  • Những câu hỏi khoa học chưa được giải đáp

    19/12/2019Minh Thi (theo National Geography)Vũ trụ được làm bằng gì? Đâu là nền tảng sinh học của ý thức? Tuổi thọ con người có thể kéo dài bao lâu? Đó chỉ là một vài trong hàng loạt câu hỏi chưa có lời giải được đưa ra trong tạp chí Science số tháng 7 nhân kỷ niệm 125 năm hoạt động.
  • Làm khoa học

    27/08/2017Hồ Ngọc ĐạiKhi đã có hàng chục tiến sĩ, hàng nghìn phó tiến sĩ, hàng chục vạn người có trình độ Đại học, thì đất nước đã có cái lót ở dưới cùng nền văn minh, làm móng vững chắc cho ngôi nhà khoa học được xây dựng trên nền tảng ấy. Chúng ta đã qua thời kỳ đổ móng ồ ạt và bây giờ đã đến lúc xây dựng có lớp lang, nghĩa là phải có cách tổ chức thích hợp. Trong bài này, tôi chỉ bàn tới cách tổ chức thích hợp với những người làm khoa học.
  • Logic hình thức và nhận thức khoa học

    15/05/2018GS. Phan Đình DiệuTrải qua hơn hai nghìn năm, từ thời Arixtốt đến nay, logic hình thức đã là công cụ đắc lực góp phần hình thành và phát triển nhiều ngành khoa học khác nhau, nó cũng là công cụ tư duy hợp lý trong mọi mặt đời sống nhận thức của con người. Ngày nay, ở giai đoạn mà con người đang có tham vọng dùng máy móc để tự động hóa từng bước các hoạt động trí tuệ...
  • Tư duy khoa học

    27/10/2015Tư duy khoa học là giai đoạn cao, trình độ cao của quá trình nhận thức, được thực hiện thông qua một hệ thống các thao tác tư duy nhất định trong đầu óc của các nhà khoa học (hoặc những người đang sử dụng các tri thức khoa học và vận dụng đúng đắn những yêu cầu của tư duy khoa học) với sự giúp đỡ của một hệ thống “công cụ" tư duy khoa học nhằm "nhào nặn các tri thức tiền đề, xây dựng thành những tri thức khoa học mới...
  • Khoa học thế kỷ XXI: Vượt ra ngoài quy giản luận

    16/03/2015Đặng Mộng LânChúng ta đã bước vào thế kỷ XXI, thế kỷ được chờ đợi sẽ xuất hiện cuộc cách mạng khoa học mới. Cuộc cách mạng khoa học lần thứ ba này sẽ là như thế nào?
  • Khoa học cơ bản thế kỷ XX đối với một số vấn đề lớn của Triết học

    11/11/2014Lê Văn GiạngNhằm giới thiệu với bạn đọc một cách nhìn tương đối toàn diện về những thành tựu của khoa học cơ bản thế kỷ XX, mà đặc biệt là mối quan hệ tương hỗ giữa khoa học cơ bản và triết học trong thế kỷ này, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia xuất bản cuốn sách Khoa học cơ bản thế kỷ XX đối với một số vấn đề lớn của triết học của tác giả Lê Văn Giạng...
  • Khoa học cứng và khoa học mềm

    03/12/2010Laurent Mucchielli, Đặng Mộng Lân dịchKhoa học cứng và khoa học mềm: khác nhau về đối tượng giữa khoa học về tự nhiên và các khoa học về con người và xã hội, nhưng cùng một phương pháp tiến hành...
  • Trình độ tu dưỡng khoa học của người Trung Quốc

    15/11/2006Dương Phương AnhTheo giải thích của Tổ trưởng Tổ điều tra tu dưỡng khoa học công chúng Trung Quốc thì trên quốc tế đã khái quát tu dưỡng khoa học làm ba bộ phận tổ thành: đạt được trình độ hiểu biết cơ bản lề trí thức khoa học, đạt được trình độ hiểu biết cơ bản về quá trình và phương pháp nghiên cứu khoa học, đạt được trình độ hiểu biết cơ bản rằng khoa học kỹ thuật đã có ảnh hưởng đối với cá nhân và con người như thế nào.
  • Khoa học hiện đại và triết học

    24/09/2006Nguyễn Văn DũngThế giới ngày nay hiện ra như một tấm thảm rộng mênh mông làm bằng nhiều mảnh bị tung toé ra, không sao ghép lại một cáchkhoa họcđược,- điều không giốngnhư người ta nghĩ trước đây. Đầu thế kỷ chúng ta, khoa học đi chậm lại vì đường đi trước mắt không còn tỏ tường. Triết học đã làmcho con đường đó sáng lên. Khoa học đã nhìn thấy gốc của mình ở siêu hình học và từ đó nó vươn vai đứng lên mạnh mẽ như ngày hôm nay...
  • Niềm tin và xây dựng niềm tin khoa học

    14/09/2006TS. Trịnh Đình BảyVấn đề niềm tin từ lâu trở thành đối tượng nghiên cứu của lịch sử triết học bởi vai trò định hướng hết sức quan trọng của nó đối với con người. Không có niềm tin, đặc biệt là niềm tin khoa học, con người sẽ sống và hoạt động không có định hướng, luôn bi quan, dao động và không phát huy được khả năng chủ động sáng tạo của mình…
  • Phép phản biện trong khoa học

    07/09/2006Nguyễn Văn TuấnPhép biện chứng là phương cách tiến hành những thực nghiệm không phải để xác minh mà để phê phán các lý thuyết khoa học và có thể coi đây như là một nền tảng cho khoa học thực thụ. Nó đánh đổ những cách hiểu cố hữu đương thời cho rằng khoa học chỉ dựa trên phép quy nạp hợp lý và xác minh bằng thực nghiệm...
  • Sự phân tích của V.I.Lênin về cuộc cách mạng trong khoa học tự nhiên và nhận thức luận hiện đại trong vật lý học các hạt cơ bản

    23/06/2006GS. TS. Nguyễn Duy Quý...triển vọng nhận thức thế giới vi mô bao giờ cũng được xác định bởi mức độ nghiên cứu các chi tiết ẩn giấu sâu xa nhất của thế giới vật chất. Sự hiểu biết về cấu trúc của vật chất trong một phạm vi không - thời gian ngày càng nhỏ hẹp hơn đã và đang đòi hỏi chúng ta phải trả lời câu hỏi: Các hạt cơ bản nhất của vũ trụ là gì và các thuộc tính của chúng là gì?
  • Cách mạng khoa học – công nghệ và nền kinh tế tri thức

    15/03/2006TS. Lê Thị Kim ChiMọi nền kinh tế đều có các lĩnh vực sản xuất, lưu thông và tiêu dùng. Các lĩnh vực đó hợp thành một hệ thống thống nhất, có sự tác động qua lại, trong đó lĩnh vực sản xuất đóng vai trò quan trọng nhất. Do đó, đánh giá trình độ phát triển của một nền kinh tế, trước hết phải căn cứ vào trình độ phát triển của lĩnh vực sản xuất, trong đó yếu tố có tính cách mạng nhất là công cụ sản xuất...
  • Các giới hạn khoa học

    12/12/2005Jean Fourastié, Đặng Mộng Lân dịch... tác giả đã chỉ ra các giới hạn kinh điển trong đó nêu rõ phần lớn thực tại cảm quan bị tuột khỏi lập luận thực nghiệm (bản chất của sự vận động khoa học) trước khi chuyển sang “Suy nghĩ về các giới hạn khác”...
  • Thử nêu mấy nét chủ yếu của phong cách tư duy khoa học hiện đại

    24/08/2005Phạm Duy HảiMột số ngành khoa học phi cổ điển đầu tiên đã ra đời từ cuối thế kỷ 19, song khoa học hiện đại chỉ thực sự ra đời do cuộc cách mạng vĩ đại trong khoa học tự nhiên đầu thế kỷ XX. Mở đầu là thuyết lượng tử, đến thuyết tương đối, và đặc biệt là cơ học lượng tử. Các lý thuyết khoa học vĩ đại này đã làm thay đồi căn bản lối suy nghĩ về tự nhiên và hình thành một phong cách tư duy khoa học mới, gọi là phong cách phì cổ điển...
  • Khoa học và tôn giáo phụ thuộc lẫn nhau

    15/07/2005Đây là bản lược dịch bài Science & Religion are interdependent của nhà bác học Albert Einstein. Nó cũng đồng thời phản ánh rõ nhất quan điểm của nhà bác học về vấn đề Tôn giáo...
  • Chương I. Tinh thần khoa học

    14/07/2005
  • Cấu trúc của các cuộc cách mạng khoa học

    05/07/2005Nguyễn Quang A dịchTiểu luận này là báo cáo được xuất bản đầy đủ đầu tiên về một công trình khởi đầu được hình dung ra gần mười lăm năm trước. Khi đó tôi là một nghiên cứu sinh về vật lí lí thuyết sắp hoàn thành luận văn của mình. Một sự dính líu may mắn với một cua thử nghiệm dạy khoa học vật lí cho người không nghiên cứu khoa học đã lần đầu tiên đưa tôi đến với lịch sử khoa học. Tôi hoàn toàn ngạc nhiên, rằng việc tiếp xúc với lí thuyết và thực hành khoa học lỗi thời đã làm xói mòn triệt để một số quan niệm cơ bản của tôi về bản chất của khoa học và các lí do cho thành công đặc biệt của nó.
  • Chưa có văn hoá khoa học

    17/06/2005Bùi Mộng HùngTây cũng như Đông, đều tìm hiểu thiên nhiên, tìm hiểu con người. Ngày nay tinh thần khoa học rất nghiêm ngặt trong tiêu chuẩn của cái biết. Thâm tâm một số “tri thức” và “học giả” Việt Nam trong cũng như ngoài nước, không khỏi cho rằng ta, Đông phương đã biết cả rồi...
  • Nghiên cứu khoa học bị 'bỏ quên' trong các trường đại học

    06/09/2003Đại học là một trong những nơi tập trung nhiều chất xám nhất, song việc đầu tư cho khoa học ở đây đang bị xem nhẹ. Kinh phí cho nghiên cứu ở các trường chỉ bằng 1/3 so với các viện, thiết bị lạc hậu Còn giảng viên thì ngày càng “chán” đề tài, dẫn đến kiến thức chai cứng, không được cập nhật...
  • Vài nét về Khoa học hệ thống và Các khái niệm cơ bản nhất

    28/04/2003Bùi Quang MinhNguyên lý hệ thống được hiểu như một nguyên lý của thế giới quan. Nó cho phép chúng ta nhìn nhận mọi sự vật và hiện tượng của thế giới khách quan theo một nhãn quan thống nhất. Dù các hệ thống vô cùng đa dạng và mang tính đơn nhất đi chăng nữa, chúng đều được cấu thành từ các phần tử, đều tồn tại trong môi trường, có mục tiêu, chức năng và cơ cấu... Mọi hoạt động của các hệ thống theo quy luật của các chỉnh thể hệ thống vật chất và đều liên quan đến các quá trình thông tin...
  • Làm gì để có một thế hệ khoa học trẻ năng động, sáng tạo?

    08/02/2003Mai Lan* Đại học phải kết hợp giảng dạy với nghiên cứu khoa học * Từ bỏ lối dạy và học từ chương khoa cử * Tiếp tục mở rộng cửa ĐH * Nâng cao chất lượng ĐH trọng điểm * Xem xét lại việc đào tạo và sử dụng nhân tài * Cải tổ lại công tác tổ chức và quản lý ĐH.
  • xem toàn bộ