Sống có ích là gì?
Cuộc đời mỗi người dường như đều bắt đầu bằng những câu hỏi. Có câu hỏi đưa người ta đi đến những con đường, có câu hỏi chỉ dẫn người ta vào vũng lầy tăm tối...
Sự khởi đầu cho cuộc đời mỗi con người dường như đều bắt đầu bằng những câu hỏi. Chúng ta sẽ làm gì, làm ở đâu? Chúng ta sẽ làm như thế nào? Để rồi sau những phút lao lực kiếm tiền, lại ngẩn ngơ tự hỏi: Vắt kiệt sức mình như vậy để làm gì? Cho mưu cầu cá nhân hay để cống hiến? Tất cả cũng vì một câu hỏi: Ta sẽ là ai? Giống như chú bé câm trong bài thơ của Flora, đi tìm giọng nói của mình.
Bạn tôi, tốt nghiệp Đại học Sư phạm, về quê làm một cô giáo làng. Bình yên, nhưng lúc nào cũng bão giông trong tâm trạng. Luôn loay hoay với câu hỏi hạnh phúc là gì? Bình yên đến mức như tẻ nhạt hay liều mình dấn thân vào những cuộc phiêu lưu, thể nghiệm mình trong những thử thách cuộc sống? Nhìn những người bạn khác ở lại thành phố lập nghiệp, bạn tôi buồn và cảm thấy mình bất hạnh.
Nhưng liệu bạn ấy có hiểu không: Nhiều sinh viên ra trường ở lại thành phố là quay quắt và ngột ngạt trong những lo âu và bon chen. Lo mất việc, lo cạnh tranh, lo trả tiền thuê nhà, lo lấy chồng, lấy vợ… Lo nhiều quá, người ta không còn nghĩ được cái gì lớn lao hơn nữa. Đầu óc trở nên chật hẹp. Những ước mơ cũng chật hẹp.
Còn biết bao thanh niên đang đốt cháy đời mình trong những trận vui suốt sáng, cuộc cười thâu đêm, trong cơn say tràn, trong cuồng điên của thuốc lắc và trụy lạc. Không biết họ có đặt ra câu hỏi về việc họ đang sống thế để làm gì, hữu ích cho ai không? Hay với họ, đơn giản là sống để hưởng thụ, sống mà như đang đốt cháy tuổi trẻ của mình.
Một cô bạn nữa, ra trường về quê - một tỉnh miền núi vùng Đông Bắc Tổ quốc - xin việc ở đài truyền hình. Chỉ 36 kg, người bé như cái kẹo nhưng suốt ngày cô vác máy, chạy chiếc xe cà tàng trên những con đường xói lở cheo leo dốc núi để đi đến tận thôn bản làm tin.
Gặp cô, mặt gầy rộc, nhưng mắt vẫn sáng long lanh, môi vẫn cười roi rói, tự hào: “Tao về đây cảm thấy mình đúng là đang Sống. Chúng mày cứ quanh quẩn ở thành phố mãi thế à, cẩn thận kẻo tâm hồn lại bé như con mắt ấy nhé”. Tôi giật mình, chẳng phải cái sự ngột ngạt mà tôi cảm thấy cũng chính là cái con mắt bé, cái tâm hồn bé mà cô bạn cảnh báo kia ư?
Ngày xưa, chính cô bạn ấy đã nói một cách "sách vở", rằng: “Người ta sống vì sự hữu ích”. Bây giờ, câu nói ấy đeo bám tâm trí tôi. Là câu trả lời mỗi khi tôi loay hoay tìm đường đi cho cuộc sống.
Người ta sống vì sự hữu ích. Điều ấy có phải cũng là một lý tưởng? Tuổi trẻ của thế hệ trước tình nguyện lên đường vì vận mệnh dân tộc. Thời bình, những người mưu cầu cho đời sống cá nhân vẫn nuôi những ước vọng và hoài bão làm được điều gì đó cho cộng đồng. Biết được mục đích việc mình làm, thấy được sự hữu ích trong lao động, vậy là cuộc sống có đủ ý nghĩa. Sao cứ bảo rằng ngày nay không có lý tưởng sống. Hoặc cứ đi tìm nó ở chốn cao siêu nào?
Sợ con mắt và tâm hồn bé tí lại, tôi dấn thân vào những chuyến đi, rời xa cái ngột ngạt của thành phố, ngột ngạt của nhận thức và cái nhìn. Đi, thấy cuộc sống rộng rãi và phóng khoáng biết bao. Nếu tôi đã quanh quẩn với những giấc mơ con, những cuộc đời con, từng bi quan hay nghe những giọng điệu bi quan thì một chuyến đi đã cho tôi cái nhìn lạc quan hơn về những điều lớn lao vượt ra khỏi sự chật hẹp của cá nhân mình. Tôi được thấy những con người nhỏ bé khác, với những vận mệnh khác, đang sống cái đời sống nhỏ nhoi nhưng đầy ắp hơi thở.
Trên cao nguyên đá Hà Giang với khí hậu khắc nghiệt - địa hình trắc trở - đời sống ngặt nghèo, tôi đã gặp nhiều người trẻ mới ra trường tình nguyện về bản làng làm việc. Họ không có nhiều câu hỏi như tôi, mà sống và làm việc hồn nhiên như cây cỏ. Họ đến nơi đang cần tri thức và sự cống hiến. Trong 256 sinh viên được đưa về, đã có 49 người vào Đảng, 36 người được bầu làm chủ tịch xã. Họ tự hào khi làm được một cái bể nước cho dân, khi trổ được một con đường chạy vào làng heo hút.
Một buổi chiều tím mắt vì đá ở Mèo Vạc, dạo trên những con đường gập ghềnh của thị trấn, tôi ấm lòng khi nhìn những ngôi nhà xây tỏa sáng ánh điện. Những gia đình người Kinh, người Mông sống xen nhau. Những đôi vợ chồng trẻ măng trao nhau cái nhìn âu yếm giữa câu chuyện thường nhật. Mắt họ lấp lánh hạnh phúc.
Có câu hỏi đưa người ta đi đến những con đường, có câu hỏi chỉ dẫn người ta vào vũng lầy tăm tối. Tôi những muốn nói với cô bạn giáo viên của tôi: Bạn thân yêu ơi, hãy sống đi để cảm thấy yêu thương, quý trọng những việc mình làm.
“Nhìn vào mắt trẻ con ấy, dễ sống lắm”, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã viết như thế. Còn bạn, ngày nào cũng nhìn vào mắt trẻ con, sao vẫn còn loanh quanh mỏi mệt với những câu hỏi? Hãy cứ sống đi. Khi bạn làm được điều gì có ích cho ai đó, bạn sẽ tìm thấy niềm vui trong tâm hồn. Đó chính là hạnh phúc.
Nghĩ đến những người đang gắn bó với các triền núi cao, tôi nhớ về những vạt ngô phủ kín các dãy núi đá tai mèo, những vạt hoa tam giác mạch với sắc màu quyến rũ diệu kỳ, và những ruộng hoa hồng mỡ màng, tươi tắn không kém gì hồng Đà Lạt. Chẳng phải hoa đã mọc lên từ đá và làm nên sự sống diệu kỳ đó sao? Vậy thì hẳn nhiên hoa cũng có thể khai sinh trong trái tim người.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn TrọngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm Quỳnh