Thành tựu, con số và câu chuyện giảm nghèo

11:20 SA @ Thứ Tư - 09 Tháng Mười Hai, 2009

Nhìn kỹ đằng sau thành tựu giảm nghèo người ta lại nhìn thấy những con số và những câu chuyện khác.

Theo công bố của Chính phủ với các nhà tài trợ, trong năm 2009 đầy khó khăn này, 1% các hộ gia đình ở Việt Nam dự kiến sẽ thoát nghèo. Như vậy, sau gần bốn năm của nhiệm kỳ thủ tướng đương nhiệm, Việt Nam đã đạt được một sự bứt phá đáng kinh ngạc trong sự nghiệp giảm nghèo, khi tỷ lệ hộ nghèo giảm 9% từ mức 20% vào thời điểm cuối năm 2005.

Tuy nhiên, nhìn kỹ đằng sau thành tựu giảm nghèo người ta lại nhìn thấy những con số và những câu chuyện khác.

Hai câu chuyện thoát nghèo

Ông Nguyễn Văn Thắng, 42 tuổi, quê xã Tân Thành, huyện Kim Sơn, Ninh Bình, được xếp vào diện nghèo, do ông đau ốm từ lâu, và thu nhập gia đình chủ yếu dựa vào tiền công đan chiếu cói của bà vợ và cô con gái đầu lòng. "Trồng lúa chủ yếu để có gạo mà ăn, chứ nếu tính đầy đủ hầu như chẳng có mấy lãi, do giá lúa giống, phân bón, thuốc trừ sâu, hay thuê cày bừa, ngày càng tăng", ông Thắng nói.

Nhưng thấy những trợ cấp của Nhà nước không đủ thuốc thang cho cha, và đảm bảo tiền học hành cho mình, hai cô con gái sau của ông lần lượt nghỉ học, sau khi học hết lớp 9, để phụ mẹ đan cói. "Bốn mẹ con cháu đổ đồng mỗi ngày kiếm được 60 ngàn đồng, cả tháng được ngót nghét 2 triệu. Trừ tiền thuốc thang cho tôi, gia đình tôi với năm khẩu đã được xếp lên diện cận nghèo", ông hồ hởi khoe.

Trong khi đó, hộ bà Nguyễn Thị Lụa, cùng xóm với ông Thắng, lại được đưa ra khỏi danh sách nghèo theo một cách khác. Bà kể rằng mỗi ngày bà kiếm được khoảng 8 ngàn đồng tiền công đan sọt, cô con dâu kiếm gấp rưỡi, còn anh con trai trong làng ai thuê thì làm, còn không thì đi đánh giậm kiếm thêm con cua, con cá cho bữa ăn có thêm dinh dưỡng. Theo bà, hồi đầu năm nay, khi lập danh sách ở xã người ta đã đưa gia đình bà, gồm năm người kể cả hai đứa cháu nội, vào diện nghèo. Nhưng sau đó ra bình bầu, gia đình bà lại được chuyển sang danh sách cận nghèo.

"Mình tuy nghèo, nhưng có những người còn nghèo hơn, để người ta hưởng trợ cấp trước. Cùng bà con làng xóm cả, tranh cãi làm gì. Thế nào chẳng đến lượt", bà lão giáo dân đã hơn 70 tuổi, vừa vòng một cánh tay ra sau đấm lưng, vừa thủng thẳng nói.

Một thành viên ban lãnh đạo xã Tân Thành, giấu tên, giải thích: "Huyện bảo năm ngoái, tỷ lệ hộ nghèo ở xã là 11%, năm nay phải phấn đấu đưa xuống dưới 10%. Chúng tôi đành chọn con số 9,9%, tính ra số hộ, rồi để họ tự bình bầu với nhau".

Các con số nói gì?

Theo kết quả điều tra mức sống hộ gia đình Việt Nam 2008, được tiến hành cùng với tổng cục Thống kê, Ngân hàng thế giới (WB) nhận xét rằng Việt Nam tiếp tục đạt được tiến bộ trong lĩnh vực giảm nghèo, tuy có sự khác biệt về phương pháp tính toán giữa tổ chức này và Chính phủ. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2008, theo WB, là 14%, so với 12%, theo Chính phủ.

Ông Martin Rama, chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Hà Nội, đồng ý rằng, bên cạnh những nỗ lực đáng khen ngợi của Chính phủ, việc Việt Nam giữ nguyên chuẩn nghèo suốt mấy năm vừa qua, bất chấp tỷ lệ lạm phát từng năm khá cao, là một trong nguyên nhân đạt được thành tích trên. Theo quyết định 170 của Thủ tướng Chính phủ, ký ngày 8.7.2005, chuẩn nghèo áp dụng cho giai đoạn 2006 - 2010 là 200 ngàn đồng/người/tháng ở nông thôn và 260 ngàn đồng/người/tháng ở thành thị. Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng 2006, 2007, 2008 và (dự kiến) 2009 lần lượt tăng 6,6%, 12,6%, 23% và (dự kiến) 6%.

Không phải chính phủ không nghĩ tới chuyện này. Hồi tháng 7.2008, thời điểm diễn ra hội nghị ban chấp hành Trung ương, trong đó có bàn về nông dân (chiếm tỷ lệ nghèo nhiều nhất), chính Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo bộ Lao động - thương binh - xã hội lập phương án điều chỉnh chuẩn nghèo, áp dụng cho giai đoạn 2009 - 2010. Năm tháng sau, bộ này đã trình Thủ tướng phương án nâng chuẩn nghèo lên 50% so với chuẩn nghèo 2005.

Tuy nhiên, phương án này đã không được phê duyệt, và một trong những nguyên nhân, theo các chuyên gia, là cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, và ưu tiên cần dành cho những đối tượng khác. Theo ông Nguyễn Quang Thắng, vụ trưởng Lao động, văn hoá và xã hội, bộ Kế hoạch - đầu tư, số hộ thuộc diện cận nghèo (cao hơn chuẩn nghèo đang áp dụng và dưới chuẩn nghèo theo đề nghị điều chỉnh) là hơn một triệu.

Liên quan đến tỷ lệ nghèo theo chuẩn hiện tại, ông Thắng lại nhấn mạnh đến một thách thức rất đáng quan tâm (mà Trung Quốc đã mắc phải và đang chịu những hệ lụy). Đó là nghèo hiện nay không còn là hiện tượng dàn trải trên diện rộng mà tập trung ở những địa bàn, những nhóm nhất định, chủ yếu là ở khu vực người dân tộc thiểu số sinh sống. "Có những nơi họ chiếm tới 95%, thậm chí 100%, số hộ nghèo", ông Thắng nói.

WB cũng chia sẻ nhận định này, dựa trên những điều tra riêng của mình. "Báo cáo điều tra mức sống hộ gia đình Việt Nam 2008 cho thấy tiến bộ trong việc giảm nghèo ở vùng dân tộc thiểu số là rất khiêm tốn. Tỷ lệ nghèo đói chỉ giảm từ 52,3% năm 2006 xuống 49,8% năm 2008, so với tốc độ giảm nghèo ở người Kinh và người Hoa (từ 10,3% xuống 8,5%)", báo cáo của các chuyên gia WB viết.

Hành động của Chính phủ

Thay vì điều chỉnh chuẩn nghèo nói chung, cuối tháng 12 năm 2008, Thủ tướng đã ký nghị quyết 30a về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 (nay là 62 do chia tách) huyện nghèo nhất nước. Gói giải pháp bao gồm các chính sách cụ thể về hỗ trợ sản xuất, dưới hình thức tiền, hỗ trợ lãi suất tín dụng, hay gạo, để tạo việc làm, tăng thu nhập. Những thanh niên dân tộc, chưa một lần đặt chân tới các thành phố, thậm chí cũng được định hướng học nghề và ngoại ngữ để sang lao động ở các nước phát triển cao như Nhật Bản, hay Hàn Quốc.

Bộ trưởng Lao động Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đã cam kết với các nhà tài trợ rằng trong năm tới, chuẩn nghèo mới sẽ được xây dựng cho thời kỳ 2011 - 2015, tương ứng với nhiệm kỳ của một Chính phủ mới. "Với chuẩn nghèo mới, không hẳn là tỷ lệ nghèo ắt phải tăng lên lại, nhưng, chắc chắn, sẽ có rất nhiều việc cho Chính phủ trong thời kỳ đó", giám đốc WB tại Việt Nam Victoria Kwakwa nhận xét.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Toàn cầu hóa chênh lệch giàu nghèo

    15/04/2014Nguyễn Trần BạtTrên các phương tiện thông tin đại chúng, không chỉ ở Việt Nam mà hầu như trên toàn thế giới, người ta nói rất nhiều về sự nghèo đói và hiện tượng chênh lệch giàu nghèo. Tuy nhiên, ở đây có một điểm cần làm rõ, đó là phải phân biệt sự nghèo đối với khoảng cách chênh lệch giàu nghèo, sự nghèo đói và chênh lệch giàu nghèo với nhận thức về chúng...
  • Một kiểu xóa đói giảm nghèo mới

    15/12/2010Thanh ThảoTheo GS-TS Nguyễn Trường Tiến "bây giờ người đảng viên phải biết xóa đói về thông tin, trí tuệ, xóa nghèo về nhân cách và đạo đức làm người". Thật là một kiểu xóa đói giảm nghèo mới, xóa đói giảm nghèo cho cả những người tưởng rằng mình đã giàu, đã no đủ về vật chất...
  • Tâm thức nông dân và công bằng xã hội nông thôn

    17/03/2009TS. Nguyễn Đức TruyếnNhà nước hỗ trợ người nghèo hơn 3.800 tỉ đồng ăn Tết Kỷ sửu, nhưng một phần không nhỏ trong số tiền này vẫn không đến đúng những người nghèo nhất. Tiến sĩ Nguyễn Đức Truyến đã lý giải hiện tượng này
  • Toàn cầu hoá, kinh tế thị trường và sự nghèo đói

    13/04/2008Nguyễn Trần BạtTrên các phương tiện thông tin đại chúng, không chỉ ở Việt Nam mà hầu như trên toàn thế giới, người ta nói rất nhiều về sự nghèo đói và hiện tượng chênh lệch giàu nghèo. Tuy nhiên, ở đây có một điểm cần làm rõ, đó là phải phân biệt sự nghèo đói với khoảng cách chênh lệch giàu nghèo, sự nghèo đói và chênh lệch giàu nghèo với nhận thức về chúng...
  • Đừng để người nghèo bị gạt ra bên lề

    12/04/2008Nguyên thủ tướng Võ Văn KiệtNgười nghèo trên thực tế chỉ được thụ hưởng rất ít các kết quả tăng trưởng, trong khi chính họ phải gần như lãnh trọn những hậu quả do lạm phát đang diễn ra. Muốn đất nước có được sự phát triển bền vững, tôi cho rằng chúng ta không thể thiếu những chính sách cốt lõi để giải quyết căn cơ vấn đề dân nghèo...
  • Có thể điều chỉnh khẩu hiệu được chưa?

    03/02/2006Trần Bạch ĐằngKhẩu hiệu mà tôi muốn nói ở đây là "xóa đói giảm nghèo”, phản ánh một chính sách được triển khai nhiều năm nay ở nước ta. Đã đến lúc sự phát triển của đất nước chophép xã hội thực hiện mục tiêu "Dân làm giàu trong một mặt bằng xã hội hợp lý, lấy làm giàu để giảm nghèo, đạt công bằng xãhội”?
  • Đọc lại báo cáo “Phát triển con người 2005”

    03/10/2005Danh ĐứcBản báo cáo “Phát triển con người 2005” cần được đọc bằng cái nhìn cầu tiến vì ấm no hạnh phúc hơn nữa cho người dân. Còn bao nhiêu vấn nạn chưa giải quyết xong?
  • xem toàn bộ