Vài nét về hệ thống phạm trù trong triết học Arixtốt

08:05 CH @ Chủ Nhật - 15 Tháng Giêng, 2006

Trong lịch sử triết học Arixtốt là người đầu tiên đã đưa ra một hệ thống các phạm trù. Đây là điểm khởi đầu cho tất cả các học thuyết tiếp theo về phạm trù. Hệ thống phạm trù của Arixtốt là sự khái quát và kế tục những thành quả của toàn bộ nền triết học Hy Lạp cổ đại giai đoạn trước ông. Nó chiếm một vị trí rất quan trọng trong lịch sử triết học và ngày nay nhiều phạm trù của nó vẫn còn giữ nguyên giá trị bởi vì đó là những phạm trù cơ bản nhất trong tư duy của nhân loại.

Khi nghiên cứu các phạm trù của Arixtốt ta thấy chúng đều gắn với nhau bởi những mối liên hệ có tính chất biện chứng và qua đó tạo nên một hệ thống, tuy chưa thật hoàn chỉnh nhưng là hệ thống phạm trù đầu tiên trong lịch sử triết học, mở đầu cho sự phát triển của các phạm trù triết học trong các giai đoạn lịch sử tiếp theo.

Mặc dù trong triết học của Arixtốt ta nhận thấy có sự giao động giữa chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm, giữa biện chứng và siêu hình, nhưng trong hệ thống phạm trù của mình, ông chủ yếu đặt ra những vấn đề của phép biện chứng. Theo Lênin thì Arixtốt là "người mà bấtcứ nơinào, cứ mỗi bước, đều đặt ra chínhvấn đề phépbiện chứng”(l). Cũng vì lẽ đó Engen đã đặt Arixtốt bên cạnh Hêgen khi ông viết rằng trong lịch sử triết học có "hai khuynh hướng triết học: khuynh hướng siêu hình với những phạm trù bất động, khuynh hướng biện chứng (Arixtốt và đặc biệt là Hêgen) với những phạm trù vận động"(2). Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi muốn trình bày đôi nét về kết cấu và mối liên hệ biện chứng trong hệ thống phạm trù của ông.

Phạm trù là những khái niệm cơ bản biểu hiện những mặt chung nhất và bản chất nhất của hiện thực, những mối liên hệ, quan hệ chung nhất và bản chất nhất của sự vật.

Trong mỗi khoa học có những phạm trù của mình như “khối lượng”, “vật chất”, “ánh sáng”, “năng lượng”, “nguyên tử”... trong vật lý học; “sự sống”, “loài”, “tính di truyền”, “tính biến dị”... trong sinh vật học; “”giá trị”, “quyền lực”, “sản xuất”... trong kinh tế-chính trị học; “cái đẹp”, “cái hài”, “cái bi”... trong mỹ học. Phạm trù trong triết học là những khái niệm mang tính phổ biến nhất, phổ biến cực độ cho bất cứ sự vật hay quá trình nào giúp cho chúng trở thành phương pháp luận cho việc nhận thức, nghiên cứu thế giới khách quan.

Những phạm trù cơ bản trong hệ thống Arixtốt là: vật chất, bản chất, số lượng, quan hệ, thời gian, không gian, vận động, tất nhiên, ngẫu nhiên, hình thức, nội dung, khả năng, hiện thực, cái chung, cái riêng, mục đích… Khi tóm tắt cuốn “Siêu hình học” (Metaphysika) của Arixtốt đã “đề cập tới tất cả, tất cả các phạm trù”(3).

Hầu hết các nhà nghiên cứu (cả mácxít lẫn ngoài mácxít) đều cho rằng hệ thống của Arixtốt chi bó gọn trong 10 phạm trù ở tác phẩm "Các phạm trừ” (Kategoria) và được nhắc đến với mức độ khác nhau trong các tác phẩm khác. Đó là các phạm trù bản chất, chất lượng, số lượng, quan hệ, vị trí, thời gian, tư thế, chiếm hữu, hành động, chịu đựng. Trong số các phạm trù này Arixtốt đã dành nhiều thời gian để phân tích 4 phạm trù đầu, trong đó ông đặc biệt quan tâm đến phạm trù bản chất. Các phạm trù còn lại chỉ được ông điểm qua và thậm chí không còn được nhắc tới trong các tác phẩm khác của mình. Theo sự thống kê của O.Apelt, trong toàn bộ các tác phẩm của mình Arixtốt đã 64 lần nhắc tới các phạm trù được ông nêu ra trong tác phẩm "Các phạm trù”. Trong số 64 lần đó chỉ có 2 lần ông nhắc tới đầy đủ 10 phạm trù: một lần trong tác phẩm "Các phạm trù”(4) và một lần trong tác phẩm "Topika"(5). Các lần còn lại: có 3 lần ông nhắc tới 7 và 8 phạm trù, 1 lần nhắc tới 6 phạm trù, 9 lần nhấc tới 5 phạm trù, 11lần nhắc tới 4 phạm trù, 30 lần nhắc tới 3 phạm trù và 5 lần nhắc tới 2 phạm trù(6). Khi bàn về các phạm trù Arixtốt, V. F. Asmus đã cho rằng nguồn gốc và vị trí của chúng hoàn toàn có tính chất kinh nghiệm. Theo ông, Arixtốt đã nghiên cứu từng sự vật riêng biệt, đặt ra các vấn đề, đưa ra các định nghĩa khác nhau, viết lại những điều cho là thích hợp và cuối cùng tập hợp lại thành 10 phạm trù(7). Thậm chí một số tác giả như Andrônik Rôđôski, Porfn Finiski, Trendelenburg, Svegler, Vinđelband, Grot, Ross còn cho rằng tác phẩm "Các phạm trù” không phải đích thực của Arixtốt. Nhưng phần đông các nhà nghiên cứu lịch sử triết học Hy Lạp cổ đại đều thừa nhận đây là tác phẩm của Arixtốt. Nó được viết ra trong giai đoạn đầu nên chưa thật hoàn chỉnh. Sau này hệ thống phạm trù triết học của ông đã được tiếp tục đề cập tới trong tác phẩm "Siêu hình học" và các tác phẩm khác. Bản thân Arixtốt đã nhiều lần nhắc tới tác phẩm "Các phạm trù” ở các chỗ khác nhau với những tên gọi khác nhau như: “10 phạm trù”, "về các phạm trù”, "về 10 chủng".

Theo ý kiến chúng tôi, xem xét hệ thống phạm trù của Arixtốt nếu chỉ bó gọn trong 10 phạm trù được ông nêu ra trong tác phẩm "Các phạm trù thì sẽ hoàn toàn không đầy đủ và làm mất hết ý nghĩa của nó trong lịch sử triết học. Hệ thống phạm trù của ông rộng hơn nhiều so với những điều đã được ông nhắc tới trong tác phẩm “Các phạm trù”. Trên thực tế có nhiều khái niệm không thấy Arixtốt liệt kê vào số 10 phạm trù kể trên nhưng ông lại giành nhiều thời gian để phân tích chúng. Đó là những phạm trù rất cơ bản trong triết học mà chúng tôi đã nêu ra ở phần đầu bài viết này. Những phạm trù đó tồn tại trong suốt một chiều dài lịch sử cho tới tận ngày nay. Ngược lại, có những phạm trù đã được ông kể tên trong số 10 phạm trù, nhắc tới một vài lần rồi sau đó hầu như không bao giờ nhắc tới nữa.ĐDiều này có thể thấy qua thống kê của O.Apelt như đã nêu ở trên.

Về cơ bản hệ thống phạm trù của Arixtốt mang tính chất duy vật. Vật chất và sự vận động của vật chất luôn được ông xem xét như nguồn gốc nội dung của các phạm trù. Lênin đã nhận xét rằng: "Arixtốt tiến sát tới chủ nghĩa duy vật"(8), khi ông nói rằng "cảm giác trong hoạt động nhằm vào cái đơn nhất, còn tri thức nhằm vào cái chung"(9). Trong lúc Platôn thừa nhận đối tượng nhận thức cái chung tách biệt với các hiện tượng cụ thể thì Arixtốt lại tìm nó trong các hiện tượng cụ thể. Chính vì lẽ đó mà Lênin đã thốt lên rằng: "Tuyệt! Không ai có nghi ngờ gì về tính thực tại của thế giới bên ngoài cả. Con người bị rối lên chính là ở trong phép biện chứng của cái chung và cái riêng, của khái niệm và cảm giác, của bản chất và hiện tượng…"(10). Như vậy, đối tượng nhận thức chính là nền tảng của hệ thống phạm trù của Arixtốt. Nhận thức bản thể luận của ông về bản chất của các phạm trù xuất phát từ chỗ cho rằng lôgic học là một khoa học không chỉ về những hình thức của tư duy mà còn về nội dung của nó.

Các phạm trù của Arixtốt là kết quả của một sự phân tích có hệ thống những vấn đề nhận thức luận và bản thể luận của tư tưởng triết học Hy Lạp cổ đại. Chúng có ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển tư tưởng triết học trong các giai đoạn tiếp theo và là một trong những nguồn gốc lý luận quan trọng của học thuyết duy vật về các phạm trù.

Khi xem xét hệ thống phạm trù của Arixtốt, chúng ta không thể tách rời nó khỏi hệ thống triết học của ông, bởi lẽ nó chính là bộ khung cho toàn bộ hệ thống triết học đó. Trong lịch sử triết học Hy Lạp cổ đại, hệ thống phạm trù của Arixtốt là ý đồ đầu tiên xây dựng một bản thể luận nhằm tái tạo hiện thực dưới hình thức các khái niệm lôgic cao nhất - các phạm trù. Các nhà triết học phương Tây như Cantơ, Hêgen, Vindelband, Xeller, Ross, Grot… đều có thái độ phủ nhận đối với vấn đề về nguyên tắc khởi điểm của Arixtốt khi trình bày hệ thống phạm trù của mình. Cantơ cho rằng Arixtốt không nắm được nguyên tắc chọn lựa các phạm trù triết học và không đưa ra được một bảng phạm trù đầy đủ. Ross nêu lên ý kiến cho rằng trong tất cả các tác phẩm của mình, Anxtốt đều không nêu ra nguyên tắc chỉ đạo khi đưa ra hệ thống phạm trù của mình và ít chú ý đến số lượng các phạm trù. Grot cũng có những ý kiến tương tự và còn khẳng định nếu trong khi trình bày hệ thống phạm trù của Arixtốt có một nguyên tắc nhất định nào đó thì chắc chắn là ông đã chỉ ra được điều đó. Hêgen đánh giá rằng các phạm trù của Arixtốt không có mối quan hệ chặt chẽ và không có tính nhất quán. Đó chỉ đơn giản là một bộ sưu tập các khái niệm khác nhau. Nhìn chung tất cả những ý kiến nêu trên đều cố gắng phủ nhận mối quan hệ biện chứng giữa các phạm trù của Arixtốt, loại bỏ những yếu tố duy vật và biện chứng ra khỏi triết học của ông. Nhưng trên thực tế, theo ý kiến chúng tôi, học thuyết về phạm trù của Arixtốt xuất phát từ một nguyên tắc đã được xác định và hoàn toàn có cơ sở. Sự tồn tại vật chất là nguyên tắc chỉ đạo duy nhất và là nội dung của hệ thống phạm trù của ông. Anxtốt khẳng định không có sự tồn tại vật chất thì sẽ không có gì trên thế gian cả). Mỗi phạm trù của Arixtốt giữ một vai trò nhất định trong sự nhận thức và xác định mặt này hay mặt khác của tồn tại. Toàn bộ hệ thống các phạm trù của ông xác định sự tồn tại từ mọi mặt có thể có nhằm vạch ra bản chất, còn bản chất là phạm trù trung tâm, là sự tổng hợp các mặt khác nhau của tồn tại đang được các phạm trù nghiên cứu. Ông là người đầu tiên trong lịch sử triết học Hy Lạp cổ đại, đã nêu lên luận điểm cho rằng bản chất là cơ sở hiện thực của mọi phạm trù còn lại. Các phạm trù này "hoặc là nói về các bản chất thứ nhất như là nói về các chủ từ, hoặc là nằm trong chúng như nằm trong các chủ từ"(12).

Theo Arixtốt, nếu xét về toàn bộ sự tồn tại vật chất thì bản chất sẽ chỉ là sự xác định cơ bản của sự tồn tại duy nhất này. Không một phạm trù nào trong số các phạm trù còn lại có thể tồn tại một cách riêng biệt lập của bản chất đối với các phạm trù khác không có nghĩa là bản chất tồn tại bên ngoài số lượng, chất lượng và những cái khác. Còn các phạm trù khác thì không tồn tại độc lập đối với bản chất và không tồn tại bên ngoài bản chất. Yếu tố tích cực của Arixtốt ở đây là mối quan hệ biện chứng giữa bản chất với các phạm trù khác của ông. Mối quan hệ biện chứng giữa các phạm trù trong hệ thống phạm trù của Arixtốt tuy mới chỉ ở mức độ sơ khai nhưng rất thú vị. Nó đã được tiếp tục phát triển trong lịch sử triết học, đặc biệt là ở Hêgen và đã được giải quyết một cách khoa học trong triết học mác xít. Enghen viết: "Những nhà triết học Hy Lạp cổ đại đều là những nhà biện chứng tự phát, bẩm sinh và Arixtốt, bộ óc bách khoa nhất trong các nhà triết học ấy, cũng đã nghiên cứu những hình thức căn bản nhất của tư duy biện chứng"(13).

Thật vậy, trong hệ thống phạm trù của mình, Arixtốt đã nêu lên mối quan hệ biện chứng giữa tất cả các phạm trù. Nhờ có bản chất mà toàn bộ các phạm trù đã tạo nên một hệ thống có kết cấu chặt chẽ. Theo Arixtốt, bản chất được bộc lộ rõ thông qua các phạm trù khác. Còn các phạm trù khác thể hiện từng mặt, từng khía cạnh của bản chất. Tất cả các phạm trù đều có đặc tính chung và đặc tính riêng. Đặc tính chung của các phạm trù thể hiện ở chỗ không một phạm trù nào tồn tại thiếu sự hiện diện của phạm trù bản chất. Về mặt này mọi phạm trù đều giống nhau bởi chúng đều là những phạm trù cơ bản và từ các phương diện khác nhau thể hiện cùng một bản chất, phụ thuộc vào bản chất ở một mức độ giống nhau, còn đặc tính riêng của các phạm trù thể hiện ở chỗ, mỗi phạm trù riêng biệt chỉ xác định bản chất ở một khía cạnh nhất định và từ một phía nhất định. Thí dụ, phạm trù chất lượng chỉ vạch ra mặt chất lượng của bản chất, phạm trù số lượng chỉ vạch ra mặt số lượng của bản chất...Đặc tính riêng của các phạm trù là ở chỗ chúng không thay đổi vị trí cho nhau và trong quan hệ với bản chất vị trí đó được xác định một cách nghiêm ngặt. Nội dung của từng phạm trù rất cụ thể và riêng biệt. Nhưng sự khác biệt giữa các phạm trù của Arixtốt không phải là một sự khác biệt tuyệt đối. Ông không xem xét chúng một cách hoàn toàn tách biệt nhau mà trong một sự thống nhất và có mối quan hệ lẫn nhau. Thí dụ, các phạm trù chất và lượng phản ánh hai mặt riêng biệt của bản chất, nhưng thiếu một trong hai cái đó thì cái kia không có ý nghĩa. Cũng vậy, vật chất, vận động, không gian, thời gian là những phạm trù luôn được Arixtốt xem xét trong mối quan hệ lẫn nhau.

Tìm hiểu hệ thống phạm trù của Arixtốt ta thấy rất rõ mối quan hệ biện chứng và tính nhất quán giữa 4 phạm trù đầu trong số các phạm trù được ông nêu ra trong tác phẩm "Các phạm trù": bản chất, chất lượng, số lượng, quan hệ. Chính bản thân Arixtốt đã viết trong tác phẩm "Siêu hình học "Nếu toàn bộ sự tồn tại hiện ra như một khối thống nhất nào đó, trong trường hợp đó bản chất là bộ phận cơ bản của khối thống nhất này, còn nếu như để cho sự tồn tại mọc lên thành một hàng liên tục thì lúc đó bản chất ở vị trí hàng đầu, tiếp đến là chất lượng, sau đó là số lượng"(14). Đối với Arixtốt việc làm sáng tỏ mặt số lượng của bản chất là điều kiện cần thiết để hiểu một cách đúng đắn phạm trù chất lượng. Để thiết lập mối quan hệ như vậy giữa các phạm trù này ông đã đưa ra thí dụ trong giới tự nhiên. Arixtốt phê phán Dênông không hiểu được sự khác biệt về chất giữa việc một hạt thóc rơi không gây ra tiếng động và nhiều hạt thóc rơi gây ra tiếng động. Ông cũng đưa ra thí dụ những giọt nước rơi dần dần làm thủng đá. Ở đây ta nhậnthấy Arixtốt đã có những dự đoán về sự thay đổi số lượng dẫn đến sự thay đổi chất lượng. Tiếp đó ông đã xác định vị trí của phạm trù quan hệ trong hệ thống phạm trù của mình: "nó đứng sau chất lượng và số lượng"(15). Arixtốt đã chỉ rõ vị trí của từng phạm trù trong hệ thống phạm trù chung của ông và phân loại chúng theo nguyên tắc tương đồng và quan hệ của chúng với bản chất của các sự vật vật chất. Theo Arixtốt, bản chất được xác định một cách toàn diện về mặt vật chất và hình thức, chất lượng và số lượng, quan hệ và không gian. Bản chất xuất hiện trong thời gian. Trong sự xác định này bản chất là kết quả của sự thay đổi và vận động - của sự chuyển từ khả năng thành hiện thực, từ ngẫu nhiên thành tất nhiên.

Hệ thống phạm trù của Arixtốt nói riêng và triết học của ông nói chung là một sự thể hiện về mặt logic học. Khi nói về bản chất logic trong triết học Arixtốt Lênin đã viết: "Ở Arixtốt, đâu đâulôgic khách quan cũng lẫn lộn với lôgic chủ quan và lẫn lộn một cách khiến cho đâu đâu lôgic khách quan cũng lộ ra"(l6) và "lôgic của Arixtốt là nhu cầu, là sự cố gắng tìm tòi, là sự đến gần với lôgic của Hêgen"(17).

Theo ý kiến của phần đông các nhà nghiên cứu lịch sử triết học Hy Lạp cổ đại ở phương Tây, hệ thống phạm trù của Arixtốt là một bộ phận trong học thuyết lôgic về khái niệm của ông. Prantl - một trong những nhà nghiên cứu nổi tiếng về lôgic của Arixtốt đã xác nhận mối quan hệ chặt chẽ giữa hệ thống phạm trù của Arixtốt với học thuyết về khái niệm. Arixtốt không xếp trực tiếp các phạm trù của mình vào học thuyết về khái niệm mà ông coi chúng như những khái niệm cao nhất về tồn tại. Akhmanov A.S. - nhà nghiên cứu lôgic Arixtốt của Nga cho rằng những phạm trù của Arixtốt không những có ý nghĩa về mặt lôgic học mà còn có ý nghĩa về mặt bản thể luận. Chúng là những tính xác định chung nhất của tồn tại (18).

Bản chất lôgic của các phạm trù của Arixtốt là ờ chỗ chúng là những vị từ của chủ từ. Điều đó có nghĩa là, một mặt chúng được xác định như những loài của cái đang tồn tại, mặt khác chúng như những định ngữ vị từ cao nhất của tư tưởng. Trong học thuyết về phạm trù của mình Arixtốt xuất phát từ chỗ thừa nhận rất nhiều những định ngữ của cái đang tồn tại riêng lẻ được ông xác định như chủ từ. Vì các phạm trù là những vị từ của chủ từ nên mặt lôgic của chúng được thể hiện lên hàng đầu, các nhà lịch sử triết học phương Tây quá nhấn mạnh và đề cao mặt lộgic trong học thuyết phạm trù của Arixtốt. Điều này dẫn đến chỗ họ cho rằng các phạm trù của Arixtốt chỉ có nội dung ngữ pháp và về bản chất chúng chỉ là kết quả của việc quan sát ngôn ngữ. Có thể nói đây là một quan điểm sai lầm. Như chúng ta đã biết, đối tượng nghiên cứu của Arixtốt bao gồm giới tự nhiên, xã hội, tư duy của con người và tất cả các khoa học, trong đó có ngôn ngữ học và ngữ pháp. Vì vậy không nên hiểu rằng các phạm trù của Anxtốt chỉ mang tính chất hoặc thuần túy ngữ pháp, hoặc thuần túy lôgic học, hoặc thuần túy bản thể luận, hoặc thuần túy nhận thức luận. Chúng chứa trong mình tất cả các mặt nói trên nhưng mặt bản thể luận .và nhận thức luận là chủ yếu, còn lôgic và ngữ pháp là mặt phụ thuộc.

Một số nhà lịch sử triết học phương Tây còn có thái độ cực đoan hơn khi đánh giá triết học Arixtết nói chung và hệ thống phạm trù của ông nói riêng. Ví dụ điển hình là B .Russell - nhà triết học, lôgic học người Anh với tác phẩm "Lịch sử triết học phương Tây". Rus-sell viết: “ngày nay bất kỳ người nào muốn nghiên cứu lôgic, sẽphí thời gian nếu đọc Arixtôt"(19). Russell chống lại việc đưa khái niệm "phạm trù” vào triết học. Ông ta viết: "Từ phạm trù của Arixtốt, của Cantơ, của Hêgen hàm ý nói lên điều mà tôi thừa nhận là không khi nào tôi có thể hiểu được. Bản thân tôi không tin rằng thuật ngữ "phạm trù" ở một mức độ nào đó có thể có ích trong triết học giống như việc đưa ra một tư tưởng rõ ràng"(20). Theo Russell, tất cả phạm trù nói chung và phạm trù bản chất nói riêng đều liên quan tới lĩnh vực "siêu hình học". Theo ông phạm trù bán chất chi thuần túy là một thuật ngữ có ý nghĩa về mặt ngôn ngữ chứ không có ý nghĩa về mặt nhận thức bởi vì “từ đó có thể có bản chất, nhưng vật thì không thể có bản chất"(21). Ở đây Russell đã không hiểu được ý nghĩa nhận thức luận triết học của các phạm trù.

Theo quan điểm của triết học Mác-Lênin, để nghiên cứu một cách đúng đắn và toàn diện lịch sử triết học nói chung và về lịch sử phép biện chứng nói riêng cần phải nghiên cứu một cách có hệ thống các phạm trù triết học theo quan điểm lịch sử triết học. Điều này có nghĩa là cần phải nghiên cứu các phạm trù trong các hình thức lịch sử cụ thể của chúng. Các phạm trù phản ánh những nét chung nhất của sự phát triển tư duy của nhân loại. Cùng với sự phát triển của triết học, các phạm trù cũng thay đổi và phát triển. Lênin đã nêu lên sự cần thiết phải nghiên cứu các phạm trù trong mối quan hệ biện chứng với việc nghiên cứu lịch sử tư tưởng nhân loại. Hệ thống phạm trù của Arixtốt là một trong những thành tựu đáng kể của lịch sử tư tưởng nhân loại. Về vấn đề này Enghen đã viết: "Việc nghiên cứu các hình thức tư duy, các phạm trù lôgic là một nhiệm vụ rất cần thiết và cao cả. Sau Arixtốt chỉ có Hêgen là người đã giải quyết nhiệm vụ này một cách có hệ thống" (22).

Tuy nhiên, Arixtốt vẫn chưa vượt được xa hơn những dự đoán thiên tài của ông về tính hiện thực của các phạm trù và về mối quan hệ biện chứng giữa các phạm trù đó. Theo Lênin, học thuyết triết học Arixtốt nói chung và hệ thống phạm trù của ông nói riêng là nét đặc trưng cho tư duy của người Hy Lạp cổ đại và phép biện chứng chất phác của họ. "Những người Hy Lạp chínhđã có một cách đặt vấn đề, tựa hồ như những hệ thống đưa ra thí nghiệm, một sự phân kỳ ý kiến chất phác, được phản ánh rất hay ở Arixtốt"(23).


(l) V.I. Lênin. Toàn tập, t.29, Nxb Tiến bộ: Matxcơva, 1981. tr. 391.

(2) C. Mác - Engen.Toàn tập, t.20, tr. 516 (tiếng Nga)

(3)V.I. Lênin. Sđđ, tr.389.

(4) Arixtốt. Tác phẩm, t.2. Matxcơva, 1978. tr. 55 (tiếng Nga)

(5) Arixtốt. Sđđ, tr. 358.

(6) Lukallitl R.KOrganon của Arixtốt. Matxcơva, 1984. tr. 34 (tiếng Nga).

(7) V.F.Asmus. Triết học cổ đại. Matxcơva, 1976, tr.354 (tiếng Nga).

(8) V.I. Lênin. Sđđ, tr.307.

(9) Arixtốt. Tác phẩm, t.1. Matxcơva, 1976, tr.407 (tiếng Nga).

(10) V.I. Lênin. Sđđ, tr.391 - 392.

(11) Xem: Arixtốt. Siêu hình học. M-L, 1934, tr.51 (tiếng Nga).

(12) Arixtốt. Tác phẩm, t.2, tr.56.

(13) C.Mác - Engen. Tuyển tập (gồm 6 tập), t.V. Nxb Sự thật, Hà Nội, 1983, t.34.

(14) Arixtốt.Siêu hình học: M - L, 1934, t.203 (tiếng Nga).

(15) Như trên, tr.241

(16) V.I. Lênin. Sđđ, tr.391.

17) Như trên, tr.391

(18) Akhmanov A.S. Học thuyết lôgic của Arixtốt, Matxcava, 1959, tr.163 (tiếng Nga).

(19) B.Bussell. Lịch sử triết học phương Tây. Maxcơva, 1959, tr. 223 (tiếng Nga).

(20) Như trên.

(21) Như trên. tr.222.

(22) C.Mác - Engen. Tác phẩm, t.20, tr.555 (tiếng Nga).

(23) V.I. Lênin. Sđđ, tr.391.
Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Sự thay đổi 4 nguyên tắc cơ sở trong tư duy khoa học cổ điển và hiện đại

    12/02/2017Sau năm 1900, tư duy khoa học đã chuyển từ tư duy cơ giới sang tư duy khoa học mới...
  • Tri thức – Tư tưởng

    09/04/2019Nguyễn Trần BạtSự nâng cao dân trí, sự tiến bộ của nhân dân là thước đo trình độ phát triển của các quốc gia, đồng thời cũng là nguồn gốc của những đòi hỏi ngày càng cao, ngày càng khắt khe hơn đối với những nhà chính trị. Họ buộc phải có những phẩm chất cao hơn, đặc biệt là phải có trí tuệ cao hơn. Thời đại của những phương pháp cai trị ngu dân đã qua...
  • Về mối quan hệ giữa cái toàn thể và cái bộ phận trong triết học Hêgen

    04/01/2006Nguyễn Ngọc KháVấn đề mối quan hệ giữa cái toàn thể và cái bộ phận đã được nhiều nhà triết học trước Mác xem xét, đặc biệt nó được nghiên cứu khá chi tiết trong triết học Hêgen...
  • Tìm hiểu thêm về khái niệm tư duy

    19/10/2005Phạm Hồng QuýTư duy là gì? Đây là một vấn đề thu hút sự quan tâm của nhiều ngành khoa học và nhiều nhà khoa học nghiên cứu. Triết học nghiên cứu tư duy dưới góc độ lý luận nhận thức. Lôgíc học nghiên cứu tư duy ở các quy tắc tư duy đúng. Xã hội học nghiên cứu tư duy ở sự phát triển của quá trình nhận thức trong các chế độ xã hội khác nhau. Sinh lý học nghiên cứu cơ chế hoạt động thần kinh cao cấp với tư cách là nền tảng vật chất của các quá trình tư duy ở con người .Điều khiển học nghiên cứu tư duy để có thể tạo ra "Trí tuệ nhân tạo". Tâm lý học nghiên cứu diễn biến của quá trình tư duy, mối quan hệ qua lại cụ thể của tư duy với các khía cạnh khác của nhận thức...
  • Chúng ta thường gặp lỗi khi tư duy như thế nào?

    05/11/2004Bùi Quang MinhTrong lao động và cuộc sống hàng ngày, bất cứ với ai, ở đâu và vào lúc nào cũng đều cần phải có tư duy chuẩn xác, chân thực và đúng đắn. Để đến được sự chuẩn xác trong suy nghĩ, mỗi chúng ta đã trải qua không biết bao nhiêu suy nghĩ sai lầm, thiển cận, chủ quan, thiếu chính xác và không ít trong số đó đã phải trả giá đắt. Đây là bài viết phân tích một số lỗi căn bản của quá trình tư duy...
  • So sánh cách tiếp cận tư duy phân tích và tư duy theo hệ thống

    04/05/2003Hai cách tiếp cận này bổ sung lẫn nhau hơn là phủ định nhau, làm mất sức mạnh của cách tiếp cận khác...
  • xem toàn bộ