Ai cũng hiểu rằng, một doanh nghiệp để lên được sàn, trước mắt là tham gia thị trường cổ phiếu không chính thức (OTC), chứng tỏ sức hấp dẫn của doanh nghiệp đó ít nhiều đã được định hình trong mắt nhà đầu tư. Nhưng với ngành công nghệ thông tin - viễn thông, lựa chọn lĩnh vực nào để đầu tư không phải là câu hỏi dễ. Bởi lẽ, mỗi ngành có sức hấp dẫn riêng cũng như hàm chứa trong nó những rủi ro...
Nếu FPT, CMC
chỉ kinh doanh phần cứng, cho dù họ là nhà phân phối của những thương hiệu lớn trong lĩnh vực CNTT, viễn thông... chắc cũng không làm cho cổ phiếu của họ có giá cao như thế. Bởi một điều đơn giản là lợi nhuận của kinh doanh phần cứng chỉ đủ để trả tiền thuê mặt bằng, lương công nhân. Nếu khéo “vun vén”, tỷ suất lợi nhuận giỏi lắm cũng chỉ gấp vài lần lãi suất ngân hàng.Phần cứng - doanh số cao, lãi ít
Ông Phạm Thiện Nghệ, Tổng giám đốc Công ty KhaiTrí, chia sẻ : “Nhìn vào doanh số, ai cũng nghĩ các doanh nghiệp chuyên kinh doanh phần cứng lãi lắm. Nhưng có làm mới hiểu vất vả thế nào. Cũng có lãi đó nhưng thấp lắm”.
Theo thông tin từ Công ty KhaiTrí, năng suất lao động trong năm qua của mỗi người lao động ở công ty này là 1,2 tỷ đồng. Ông Nghệ không tiết lộ con số cụ thể về doanh thu và lợi nhuận nhưng cho biết tỷ suất lợi nhuận khoảng 2 - 5 %. Nhưng đó là những doanh nghiệp lớn có khả năng trúng thầu những dự án lớn, còn doanh nghiệp nhỏ thì sao? Để tồn tại với mức lãi như vậy, họ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Trước hết là cái “vòng luẩn quẩn” do chính họ đặt ra: muốn lãi cao - bán hàng kém chất lượng - bảo hành nhiều - niềm tin giảm sút - mất khách hàng - doanh số thấp - lãi thấp. Bế tắc! “Dẫu chưa đến độ phải đóng cửa nhưng đã qua rồi cái thời huy hoàng của kinh doanh phần cứng,” Giám đốc kinh doanh của một siêu thị máy tính cho biết.
Dịch vụ và nội dung số - còn ở thì tương lai
Theo khảo sát của Công ty Marcom, hiện Việt Nam có khoảng 400 doanh nghiệp với khoảng 5.000 người hoạt động trong ngành công nghiệp nội dung số. Trong đó, lĩnh vực trò chơi trực tuyến (online game) thu hút nguồn nhân lực khá lớn. Trong các ngành nghề của công nghiệp nội dung số, lĩnh vực đang “đẻ ra tiền” là phát triển nội dung cho mạng di động. Hiện nay, ước tính có khoảng 40 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ nhắn tin SMS, MMS, GPRS với các nội dung như tải nhạc chuông, logo, hình nền, tin nhắn trúng thưởng, thông tin kinh tế - xã hội, tư vấn sức khỏe, giới tính... Ước tính trong năm 2006, kinh doanh nội dung số trên mạng viễn thông đã đem lại doanh thu khoảng 1.600 tỷ đồng. Nhưng khoảng 70 - 80 % doanh thu ấy lại rơi vào túi các nhà kinh doanh mạng viễn thông. Một lĩnh vực cũng được xem là “có tương lai” là kinh doanh trò chơi trực tuyến với doanh thu năm 2006 khoảng 15 triệu USD. Ước tính năm 2007, toàn bộ ngành công nghiệp nội dung số đạt doanh thu khoảng 100 - 120 triệu USD.
Sau hơn một năm “nổi đình nổi đám”, đến nay ngành công nghiệp nội dung số đang có xu hướng chững lại. Nếu có hoạt động mạnh, hiện vẫn còn dịch vụ nhắn tin và trò chơi trực tuyến, còn những hoạt động khác như tải hình ảnh, tư vấn, tham gia đoán kết quả trúng thưởng... đang sụt giảm về doanh thu và số lượng khách hàng. Có nhiều lý do, trước hết là ở người tiêu dùng đã bão hòa nhu cầu sử dụng những dịch vụ giá trị gia tăng trên mạng, bên cạnh đó là thái độ không trung thực của nhà khai thác dịch vụ đã làm nản lòng người tiêu dùng và cả những rào cản bằng những văn bản quy định nghiêm ngặt khác.
Dù ngành công nghiệp nội dung số được đánh giá là thị trường tiềm năng, còn nhiều miền đất mới để khai thác nhưng theo đánh giá của một chuyên viên Vụ Viễn thông (Bộ Bưu chính-Viễn thông), muốn ngành này phát triển, trước hết phải thay đổi nội dung, không thể “bắt khách hàng ăn mãi một món mà món đó chẳng ngon lành gì”.
Bao giờ “Phù Đổng vươn vai” ?
CNTT là xương sống của nền kinh tế tri thức nhưng để phát triển nó thành một ngành kinh tế chủ lực không phải là vấn đề đơn giản. Hiện nay, nếu điểm mặt các “đại gia” ngành CNTT, quanh quẩn cũng chỉ FPT, CMC, Tổng Công ty Điện tử - Tin học Việt Nam (VEIA)… Còn lại là mô hình công ty với số vốn vài chục tỷ đồng, hiếm hoi lắm mới có vài Công ty số vốn khoảng 100 tỷ đồng. Ông Ngô Dương, HoàngThao, Giám đốc Công ty Tư vấn Đại Đông Dương, nhận xét: “Ngành CNTT Việt Nam vừa trẻ vừa phân tán. Trừ một vài công ty đa chức năng, đa ngành, còn lại là đơn ngành.” Ông Thao cho rằng, việc tập hợp các Công ty nhỏ ở nhiều lĩnh vực lại thành một “group” nhằm gia tăng sức mạnh là chuyện không tưởng, ít nhất là vào thời điểm hiện nay. Ông Nguyễn Thế Đông, Giám đốc Công ty Athena, nói: “Vốn chúng tôi đã ít, lại bị các dự án ngâm vốn nên thiếu vốn là chuyện mà bất kỳ Công ty nào cũng gặp. Chúng tôi “khát” vốn lắm nhưng chỉ dám kêu gọi theo
kiểu góp vốn chứ không thể cổ phần hóa, phát hành cổ phiếu được. Ai mua? Chẳng ai dại gì mua khi nhìn thấy một doanh nghiệp có sức sống èo uột như thế”.Vốn ít, cơ ngơi nhỏ bé chưa phải là điều quan trọng, mà điều đáng nói hơn là nhà đầu tư không nhìn thấy “ánh bình minh” của hầu hết các công ty kinh doanh lĩnh vực CNTT hiện nay. TiếnKhoa, một nhà đầu tư cổ phiếu có khá nhiều kinh nghiệm, bảo rằng: “Không đủ tiền để mua cổ phiếu của mấy ông FPT, CMC. Còn các Công ty nhỏ hơn thì nản lắm. Phần cứng đang chết. Lãi cao lắm là 5% lấy gì mà sống. Doanh nghiệp phần mềm thì chờ dự án hoặc nguồn gia công nước ngoài. Kinh doanh nhắn tin, trò chơi trực tuyến chẳng thấy Công ty nào làm ăn khấm khá. Thị trường lĩnh vực này chẳng có gì hấp dẫn”!
Một người có trách nhiệm ở Hội Tin học Việt Nam chia sẻ: “Chúng tôi muốn nhiều doanh nghiệp CNTT được nhà đầu tư biết đến nhưng biết làm sao được khi bản thân họ còn quá nhỏ. Nhiều doanh nghiệp cần vốn để thực hiện nhiều dự án nhưng tham gia kêu gọi vốn bằng cổ phiếu chứng khoán vẫn là chuyện của tương lai”.
Theo nguồn tin riêng của TBVTSG, hiện nay nhiều quỹ đầu tư đang từ từ rút vốn ở những Công ty lớn, họ bắt đầu tìm hiểu và chọn những doanh nghiệp nhỏ hơn nhưng có triển vọng để đầu tư. Hy vọng, đây là niềm vui cho những doanh nghiệp CNTT nhỏ. Nếu họ có chiến lược phát triển tốt, có những cổ đông chiến lược lớn tham gia cổ phần thì chuyện lên sàn không còn là chuyện quá xa vời...