Yếu tố thiêng liêng trong tiếp hợp nho giáo

02:03 CH @ Thứ Năm - 15 Tháng Mười, 2009

Ngày nay, sự phát triển của mỗi nền văn hóa dân tộc gắn bó với quá trình giao lưu tiếp xúc với các nền văn hóa khác đã được hiểu như một quy luật phổ biến. Nhưng trong quá trình “chung chạ” ấy, như thế nào để “hòa nhi bất đồng”, bản sắc văn hóa dân tộc là gì, câu hỏi ấy tưởng như dễ trả lời, nhưng chỉ ra được, “bắt tận tay day tận trán” là việc không dễ dàng. Có người truy tìm những yếu tố nội sinh, lấy làm căn cước chủ yếu. Nhưng vô số những yếu tố tưởng như là nội sinh, vốn dĩ lại chỉ là sự tái sinh, tái chế, sự đầu thai kiếp khác của những yếu tố ngoại sinh. Thêm nữa, chưa hẳn với tỉ lệ áp đảo các yếu tố ngoại sinh đã làm biến mất bản sắc văn hóa dân tộc. Tiếng Việt là một ví dụ. Âm nhạc, hội họa cũng là những ví dụ khác. Chứa đựng trong nó một số lượng lớn các yếu tố Hán ngữ, Pháp ngữ, ... được Việt hóa, tiếng Việt vẫn cứ là tiếng Việt với một phân lượng nhất định yếu tố nội sinh. Ở đây, cái quyết định không phải là số lượng yếu tố mà là tính chất quan hệ, là bản chất một cấu trúc hệ thống các quan hệ. Cũng có thể nhận diện như vậy về bản sắc Việt Nam trong các lĩnh vực khác của nền văn hóa.

Người Việt giao tiếp với cái thiêng bằng một ngôn ngữ biểu trưng có vô số những yếu tố ngoại nhập. Trước hết là sự tiếp nhận những yếu tố Nho giáo nói riêng, văn hóa Trung Hoa nói chung. Văn hóa Việt Nam chấp nhận một quá trình Trung Hoa hóa lâu dài và toàn diện. Có nhà văn đã liên tưởng quá trình này với trường hợp một bé gái vị thành niên bị cưỡng hôn. Nói như thế thật xót xa, nhưng không hẳn là sai sự thật. Nước Việt Nam lệ thuộc vào nhà Hán từ năm 111 trước Công nguyên. Ngay từ thời ấy, quan lại Trung Hoa đã thống trị và đem lễ giáo của họ “khai hóa” cho cư dân các bộ lạc Giao chỉ. Sử cũ nói về việc Nhâm Diên, Tích Quang dạy dân Giao chỉ biết lễ nghĩa, lấy vợ lấy chồng theo đúng phép tắc, lễ giáo. Dù muốn hay không, tư tưởng Nho giáo cũng đã là hệ ý thức chính thống hàng ngàn năm của xã hội quân chủ quan lại Việt Nam. Nho giáo chi phối toàn diện, biến Việt Nam thành một nền văn minh vệ tinh “Trung hoa hóa”. Trong đời sống xã hội của người Việt ở bất kỳ lĩnh vực nào cũng có thể tìm thấy những yếu tố hay dấu ấn của văn hóa Trung Hoa. Từ thần thoại, cổ tích, truyện kể dân gian đến phong tục tập quán, từ lễ, tết, cưới xin, ma chay đến hội hè đình đám đều tiếp nhận hoặc mô phỏng nhiều yếu tố văn hóa Trung Hoa. Ngay cả cung cách bài trí bàn thờ, thế giới những vật thiêng, cung cách cúng lễ, ngôn ngữ khẩn cầu cũng đan xen nhiều yếu tố Nho giáo. Vậy thì, với người Việt, “giấy rách phải giữ lấy lề”, và cái “lề” ấy ở đâu?

Nếu như trong lý thuyết Kitô giáo, Chúa ba ngôi chỉ quản lý phần hồn và cuộc sống con người ở giới bên kia, vỗ về muôn dân chấp nhận kiếp sống “con cừu” ngoan ngoãn ở thế giới bên này để mai sau được về nước Chúa, thì trong lý thuyết Nho giáo cả Chúa trời, con của ngài và quỷ thần cùng phối hợp quản lý cuộc sống trần thế của con người, quyết định mọi số phận và chi phối mọi quá trình xã hội. Trời đã nhường ngôi trị vì hạ giới cho con, và vị hoàng đế con trời ấy nắm quyền lực thống nhất, toàn diện và tuyệt đối. Mỗi người phải biết kính sợ trời, dù trời có vẻ xa xôi, mệnh trời có vẻ trừu tượng như cái thân phận thứ dân, thảo dân, bầy tôi thì rất cụ thể.

Thân em thì trắng, phận em tròn

(Hồ Xuân Hương)

Phẩm chất cá nhân không thể cứu nổi cái số phận đã được an bài trong mạng lưới thiên la địa võng trời định. Mọi bất công nghiệt ngã của cuộc đời trần thế, biết đấy, mà như không, được lý thuyết Nho giáo đánh tráo gỡ tội cho chúa con bằng cách quy tội cho chúa cha:

Cho hay muôn sự tại trời
Trời kia đã bắt làm người có thân
Bắt phong trần phải phong trần
Cho thanh cao mới được phần thanh cao

(Nguyễn Du)

Trời là chúa tể. “Đến xã hội có giai cấp, song song với việc xuất hiện Nhà nước và một ông vua của quốc gia nô lệ, quyền lực tối cao của ông vua ấy cũng được phản ánh vào tôn giáo, tạo nên ông thần thống nhất và tối cao, đó là đế hay Thượng đế, hay Thiên đế. Các thuộc tính xã hội của rất nhiều vị thần được tập trung vào một vị thần vạn năng- đa thần giáo phát triển thành nhất thần giáo” (1)

Trời của người Việt có khác. Tục thờ ông Thiên ông Địa là của người Trung Hoa. Đàn Nam Giao tế trời, đàn Xã Tắc tế Đất là của nhà vua. Cũng cần phải nhận xét rằng trong quá trình biến chuyển của lịch sử dân tộc hàng trăm đình, chùa, đền, miếu được nhân dân bảo tồn, những tháp Báo Thiên, đàn Nam Giao thì không giữ nổi. Người Việt không thờ một ông Trời, mà thờ nhiều Bà Trời. Trời của người Việt không trừu tượng và đáng kính sợ, mà cụ thể là đáng kính ơn. Trời là mưa, nắng phải thì, là Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện phù hộ độ trì cho con cháu tai qua nạn khỏi, chân cứng đá mềm, ăn nên làm ra. Trời gần gũi và thực tế:

Lạy trời cho cả gió nồm
Cho kẹo tôi chảy cho mồm tôi xơi.
Trông trời, trông đất, trông mây
Trông mưa,trông nắng trông ngày trông đêm
Trông cho chân cứng đá mềm
Trời trong bể lặng mới yên tấm lòng

Trời cũng dễ dãi và vui nhộn:

Ngồi buồn đốt một đống rơm
Khói lên nghi ngút chẳng thơm chút nào
Khói bay lên tận trời cao
Ngọc hoàng phán hỏi thằng nào đốt rơm

Ông trăng mà bảo ông trời
Những người hạ giới là người như tiên
Ông trời mà bảo ông trăng
Những người hạ giới mặt nhăn như tườu.

Gia dĩ, trời chưa phải là to. Nhất vợ nhì giời. Hơn nữa, con cóc là cậu ông trời. Người nhà trời vẫn có thể bị trừng phạt không thương tiếc.

Bắc thang lên hỏi ông trời
Bắt ông nguyệt lão đánh mười cẳng tay.

Nhiều tục lệ và trò chơi trong lễ hội cầu mưa cho thấy một quan niệm “có đi có lại mới toại lòng nhau” trong quan hệ giữa trời và người. Vì vậy người Việt không lệ thuộc tuyệt đối vào lệnh trời và người. Không những quan niệm xưa nay nhận định thắng thiên cũng nhiều, mà ý thức rất rõ người ta là hoa đất, con người làm chủ số phận của mình.

Số cô không giàu thì nghèo
Ngày ba mươi tết thịt treo trong nhà.
Số cô có mẹ có cha
Mẹ cô đàn bà cha cô đàn ông
Số cô có vợ có chồng
Sinh con đầu lòng chẳng gái thì trai.

Té ra cái số trời cũng đơn giản đến… vớ vẩn!

Trời và mệnh trời là vậy, thiên tử trong con mắt người Việt cũng ba bảy đường. Nói chung, người Việt không thờ cúng vua, họ chỉ thờ cúng những anh hùng dựng nước và giữ nước. Người Việt nhớ ơn một Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn sứ quân, một Lê Hoàn Thập đạo tướng quân chứ không phải các ông vua Đinh - Lê. Người Việt thờ Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, tôn xưng ngài là Đức ThánhTrần, vua cha (tháng Tám giỗ cha, tháng Ba giỗ mẹ) chứ không phải các đời vua nhà Lý, nhà Trần (riêng Đình Bảng có đền thờ Lý Bát Đế). Người Việt tôn kính Quang Trung Nguyễn Huệ áo vải cờ đào, giúp dân dựng nước biết bao công trình, mà hầu như không biết đến ông vua Nguyễn Nhạc.

Trong hệ thống thần linh của người Việt, cơ bản là các vị phúc thần, những anh hùng văn hóa; những người con quang vinh của dân tộc hữu danh và vô danh, những người lập nghề, khai hoang khẩn hóa mà rất ít hung thần. Một phân lượng rất lớn là nữ thần, nếu không phải là nữ thần chiếm ưu thế. Đạo của người Việt chủ yếu là đạo thờ nữ thần. Chức năng cơ bản của bộ máy thần quyền không phải là chức năng bạo lực, làm hại người, mà trước hết là giúp đỡ, phù hộ con người. Mối quan hệ giữa con người với thần linh là quan hệ hai bên cùng có lợi, “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, tất cả vì một cuộc sống trần thế thuận hòa, yên ổn. Mối quan hệ diễn ra trong đời sống thường ngày, một kiểu quan hệ thực tiễn cảm tính, thiên về nhận thức trực giác, tức là cảm nhận hay thể nghiệm, “Đặt mình vào giữa đối tượng, khơi dậy linh cảm, quán xuyến nhiều chiều trong chốc lát từ đó mà nắm bắt bản thể trừu tượng”.(2)

Nho giáo là một học thuyết chính trị - xã hội dựa trên nguyên tắc thần thánh hóa đức vua, thiêng liêng, gán cho nó những sức mạnh có tính tiền định. Với nho giáo, trời và vua tuy hai mặt hóa trật tự xã hội quân, gán cho nó những sức mạnh có tính tiền định. Với Nho giáo, trời và vua tuy hai mà một, mọi hành tung của vua đều có quan hệ với thần linh. Vua “ban” chết là phải chết, đội ơn mà chết. Người Việt nhìn nhận một ông vua thẳng thắn và sòng phẳng hơn nhiều: “Được làm vua, thua làm giặc”. Vì vậy người Việt hiểu “trung quân” gắn với “ái quốc” nghĩa là trung với nước, chỉ có Tổ quốc là thiêng liêng.

Toàn bộ cái trật tự, cái thể chế xã hội quân chủ mà Nho giáo thiêng liêng hóa, thần thánh hóa như đã được định sẵn trong sách trời ấy, người Việt cũng sẵn sàng xếp vào hạng hai: “Phép vua thua lệ làng”. Chỗ khác nhau căn bản ở đây là với những khái niệm Trung. Hiếu, Tiết, Nghĩa, Nho giáo thiêng liêng hóa trật tự xã hội, còn người Việt lại thiêng liêng hóa mối quan hệ tình nghĩa giữa con người với tự nhiên và giữa con người với con người. Người Việt thiên liêng hóa những ngọn núi, con sông đã cưu mang che chở họ, tôn thờ những tấm gương trung chính có công với nước, trong đó có nhiều liệt nữ. Lịch sử Trung Hoa lại thường lưu truyền câu chuyện về những người đàn bà bạo nghịch, hay ít nhất cũng là nguyên nhân của tội ác, của sự sụp đổ của một ngai vàng, sự diệt vong một triều đại.

Người Việt ca ngợi, tôn thờ chiến công của những anh hùng xả thân vì nước, từ viên tướng trăm trận trăm thắng đến người lính coi kho hay chăn ngựa, từ cụ già đến em bé, người miền núi hay miền sông nước. Họ chết đi sẽ thành phúc thần che chở cho người sống. Người Việt không tôn vinh những cái chết bất đắc dĩ để tỏ lòng trung quân, hay gàn dở đến mức như Hứa Do, Sào Phủ.

Cái thiêng Nho giáo là thế lực siêu hình áp chế con người, biến con người tự nhiên thành con người chức phận xã hội, hy sinh hạnh phúc cho nghĩa vụ. Nho giáo nhập nhằng các khái niệm chính trị với đạo đức, đạo đức với tín ngưỡng, biến các chuẩn mực Trung, Hiếu, Tiết, Nghĩa thành một thứ lưới trời ràng buộc con người, mà phụ nữ chính là nạn nhân đau khổ nhất.

Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung

(Nguyễn Du)

Biết bao nhiêu phụ nữ đã phải làm vật hy sinh để nêu cao những chuẩn mực xã hội như những luật thiêng. Nhưng chính vì vậy, họ cũng là lực lượng phản kháng quyết liệt nhất, sự phản kháng có khi thái quá, vẻ như phá bĩnh, nhưng lại là sự hạ bệ hữu hiệu:

Trăm năm trăm cõi người ta
Phải duyên thì lấy, chẳng ông tơ hồng nào xe.
Chính chuyên lấy được chín chồng
Vo viên bỏ lọ gánh gồng đi chơi
Không ngờ quang đứt, lọ rơi
Bò ra lổm ngổm chín nơi chín chồng.

Và đây là cảnh thiếu phụ cúng chồng thật oái oăm.

Hỡi anh chồng của tôi ơi
Có khôn thiêng anh trở dậy ăn xôi nghe kèn
Đã về nghiệp ấy xin anh đừng ghen
Để cho người khác cầm quyền thê nhi
Miệng em khóc,
Tay em bế ẵm cái ông thần vì
Tay gạt nước mắt,
Tay thì em thắp nén nhang.

Trong xã hội cũ, nhà vua là biểu tượng của quyền năng thiên đế, nhà sư là biểu tượng cho sự huyền nhiệm của phật pháp khởi nguồn phật tính tiềm hằng nơi mỗi chúng sinh. Còn nhà nho? Từ trạng nguyên, bảng nhãn, ông cống, ông nghè áo mũ xênh xang đến ông đồ nho kính đền tráp gỗ lẩn khuất sau lũy tre làng, họ là những kẻ thi thư lễ nghĩa chở đạo thánh hiền khai hóa cho con dân. Ấy nhưng, tất cả bọn họ lại chính là nhân vật chủ yếu trong kho tàng chuyện cười dân gian. Ở đâu các ngài cao giọng về sự thiêng liêng, ở đó người phụ nữ Việt Nam sẵn sàng chỉ ra sự thô lậu của cái tục, chỉ với một “cái này”, thứ vũ khí riêng có thô sơ mà bí ẩn như kính chiết yêu.

Té ra, các vị quân tử thực bất cầu bão ấy lại rất tham ăn tục uống, sẵn sàng “liếm mật”, ăn vụng, “quen ăn bén mùi”, rặt một phường “tửu sắc” từ “thầy đồ ăn bánh rán”, “thầy đồ trừ muỗi” đến thầy đồ “lấy giống râu”, “đỡ đẻ”, “dưỡng thai cắt đách”,… Các vị chỉ nói đến “lễ”, không nói “lợi”, rất hay đố chữ, giảng chữ, khoe chữ nhưng lại rất dốt chữ, và rất dốt chuyện đời, không biết ngửi, mà lại thích nếm, đến “chết nết không chừa”, nhiều phen “khóc dở mếu dở”, “vợ đẻ phượng hoàng”, “đổ mồ hôi mực”, “ngửi văn”, làm thơ vinh “rắm quí” hay dạy học trò “Dủ dỉ là con dù dì”, “ngưu là con bò tót”. (3)

Đình làng là nơi thể hiện quyền uy của thể chế quân chủ Nho giáo, là nơi người phụ nữ không được lui tới. Họ cũng chẳng lui tới làm gì cái nơi từng diễn ra những cảnh bất công ngang trái, “ai làm chua xót lòng mày khế ơi”, nơi phải biết sợ lại phải biết kính:

Qua đình ngả nón trông đình
Đình bao nhiêu ngói
Em thương mình bấy nhiêu

Không tới đình, người phụ nữ tới đền. Đền mới là nơi thờ phụng thần linh chủ yếu và lâu đời của người Việt. Đền là không gian thiêng của người Việt, và trước hết là người phụ nữ. Tất cả những vị thần thánh cao quý nhất của người Việt được thờ ở đền. Phụ nữ là bộ phận dân cư thường xuyên nhất và thành tâm nhất giao tiếp với cái thiêng.

Trong gia đình Việt Nam, phụ nữ là “nội tướng”, tay hòm chìa khóa, “lệnh ông không bằng cồng bà”, là người tổ chức cuộc sống vật chất thường ngày của cha mẹ và chồng con. Không chỉ có như vậy, phụ nữ là người cầm chịch đời sống tinh thần, là điểm tựa hạnh phúc của gia đình. Người cha gây dựng cơ nghiệp, tài sản. “Công cha” lớn lắm, nhưng vẫn có thể đong đếm được. “Nghĩa mẹ” là cái khôn cùng. Chính mẹ để phúc cho con cái. Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

Lý thuyết Nho giáo khoác thêm thần lực cho trật tự thế quyền, từng hấp dẫn mọi Nhà nước chuyên chế phương Đông mà việc cai nghiện không phải là dễ (4). Nhưng Nho giáo đến với người Việt và người phụ nữ Việt Nam phải chịu khúc xạ, chịu biến đổi để trở thành những yếu tố của văn hóa Việt Nam. Cơ bản chế ấy là quy luật chung cho mọi yếu tố văn hóa ngoại nhập.


* Bài đã in trong Tạp chí Văn hóa dân gian số 2/1997

1,2 Ngô Vinh Chính – Vương Niệm Quý- Đại cương lịch sử văn hóa Trung Quốc- Sách dịch – NXB Văn hóa thông tin. H-1994.
3 Tên một số truyện cười trong “Kho tàng truyện tiếu lâm Việt Nam”. NXB “Văn học”. H. 1996
4Tuy nhiên, Nho giáo là một học thuyết chính trị - xã hội có rất nhiều mặt tích cực, tiến bộ so với thời đại của nó. Việc tiếp thu Nho giáo và văn hóa Hán nói chung đã thúc đẩy nhanh chóng sự phát triển văn hóa xã hội, xây dựng chính quyền nhà nước lớn mạnh và bảo vệ thành công nền độc lập dân tộc của người Việt Nam trong lịch sử, phương diện ấy không thuộc về phạm vi đề tài này.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Về số phận của Nho giáo

    02/09/2016Hồ Sĩ QuýCũng như những thập niên trước ở Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore hay Hồng Kông, Nho giáo và văn hóa Nho giáo hiện vẫn giữ vai trò và vị thế của mình một cách tự nhiên trong đời sống. Chúng là sản phẩm của bản thân đời sống, được bảo tồn và duy trì lặng lẽ trong đời sống, theo những quy luật mà người ta không dễ can thiệp một cách cảm tính. Và do vậy, khi cần, chúng sẽ phát huy tác dụng theo quy luật tất nhiên của đời sống. Số phận của Nho giáo trong thế kỷ XXI, về căn bản, do đời sống xã hội quy định./.
  • Hiện đại đối thoại với nho giáo

    16/08/2009Bùi Đăng DuyTrong ngàn năm lịch sử, Nho giáo đã là hệ tư tưởng thống trị trong xã hội Việt Nam. Ngày nay, cơ sở kinh tế - xã hội của nó không còn nữa, nó vẫn để lại dấu ấn khá đậm nét trong mọi lĩnh vực của đời sồng xã hội.
  • Phật - Nho - Lão

    22/06/2009Thu San Nguyễn Thế HùngNếu xem văn hóa là một công cụ phát triển kinh tế, thì tích Kim đa văn hóa sẽ là công cụ cho phép chúng ta hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới. Điều kiện để sáng tạo đa văn hóa là chúng ta phải sáng tạo ra các sản phẩm mang bản sắc Việt mà vẫn có các nét quyến rũ của một nền văn hóa khác.
  • Nền tảng Nho giáo của tư tưởng xã hội hài hòa (trích đăng)

    20/03/2009Nguyễn Tài ĐôngTìm ra và khẳng định tư tưởng xã hội hài hòa có nền tảng lý luận từ kho tàng triết học truyền thống là đã tiếp sức sống cho tư tưởng này, vấn đề còn lại là, phát triển các kênh đối thoại đa dạng hơn nữa giữa truyền thống và hiện đại mà ở đặc biệt là giữa chủ nghĩa Mác và Nho giáo để tìm ra nhiều lời giải đáp hữu hiệu cho hiện thực xã hội hài hòa.
  • Mạnh Tử quan niệm về nhân, nghĩa

    20/12/2006Hoàng Ngọc YếnGiáo sư Francois Jullienđặc biệt chú ý những công trình: xác lập cơ sở cho đạo đức, đối thoại của Mạnh Tử với một triết gia khai sáng (Grasset, 1995)… làm nổi bật vai trò cơ bản của triết học trong đối thoại giữa những nền văn hóa, đưa ra một phương pháp luận so sánh văn hóa Đông - Tây mới mẻ...
  • Khủng hoảng các giá trị nho giáo

    14/12/2006Trần Văn ĐoànMọi cuộc bàn luận về khủng hoảng giá trị đều không dễ và tôi ngại rằng cuộc bàn luận này cũng khó đạt tới kết quả mong muốn, cho dù chúng ta có đủ thời gian, công sức và tiền bạc. Tính mơ hồ, sự phong phú và cả tính phức tạp nữa của cái mà chúng ta gọi là giá trị đã làm cho công việc trở nên quá khó khăn. Chúng ta tranh cãi về ý nghĩa của giá trị, mà không bàn đến việc tại sao chúng ta phải chấp nhận các giá trị đó. Để tránh các vấn đề rắc rối như thế, chương này chỉ giới hạn trong việc chẩn đoán triệu chứng con bệnh trong một xã hội Nho giáo cụ thể...
  • Quan niệm của nho giáo về xã hội lý tưởng

    20/10/2006Nguyễn Thanh BìnhGiống như bất kỳ một học thuyết chính trị - xã hội nào khác, Nho giáo cũng đưa ra quan niệm về một xã hội lý tưởng với tất cả những đặc điểm căn bản của nó và các biện pháp để tạo lập duy trì cái xã hội ấy.
  • Lý học và tượng số của Nho - Lão - Phật giáo

    23/08/2006Đ.H.LTừ khi ra đời và phát triển đến thế kỷ XI là thời điểm Nho giáo thịnh vượng nhất cùng với những tên tuổi lớn như: Âu Dương Tu, Thiệu Ung, Chu Hi...Đồng thời cho đến lúc này, Nho giáo được chia ra thành hai bộ phận: đạohọc và đứchọc, và trình độ triết học của Nho giáo đã được nâng lên cao ngang với Lão học và Phật học...
  • Bàn về Đạo - Lý - Tính

    31/05/2006Đ.H.LCũng như các trường phái triết học cổ điển khác của phương Tây, hễ có lập luận triết lý tất yếu phải có quan niệm về các nguyên lý và nguyên nhân của sự sinh hóa trong vũ trụ, nội dung triết học của Nho giáo cũng có xuất phát điểm lấy cái Lý làm gốc với quan niệm: Thiên địa vạn vật nhất thể...
  • Triết lý trong văn hoá phương Đông

    18/01/2006Nguyễn Hùng HậuNghiên cứu văn hoá được tác giả tiến hành trên nhiều góc độ khác nhau với những cách tiếp cận khác nhau. Ở đây tác giả phân tích văn hoá chủ yếu trên góc độ triết lý để chúng ta có những chiến lượcphát triển con người nói riêng và văn hoá nói chung một cách thích hợp, góp phần hướng nhanh đến mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh...
  • Đạo Khổng còn hợp với thời nay không?

    26/11/2005Nguyễn Văn NghệGần đây, trong mối giao lưu và hội nhập ngày càng được đẩy mạnh với các nước trong khu vực, nhiều học giả đã quay trở lại với việc đánh giá vai trò của Nho giáo trong xã hội Việt Nam thời hiện đại. Bài viết sau giúp bạn đọc tổng hợp một số ý kiến của các học giả nước ngoài, và quan diểm của một số nhà nghiên cứu Việt Nam...
  • Vũ trụ theo quan niệm phương Đông

    19/07/2005Nhà thiên văn học Nguyễn Quang Riệu...các nhà thiên văn học phương Đông thời xưa không có một mô hình chính xác về Vũ trụ và quỹ đạo của các hành tinh trong Hệ mặt trời, vì ngành vật lý và toán học, đặc biệt là hình học chưa được phát triển. Tuy nhiên, quan niệm của họ về Vũ trụ có khả năng thay đổi tương đối đúng với thực tế.
  • xem toàn bộ