Không yêu lịch sử dân tộc là con người không có tâm hồn
Nhân việc ông Bộ trưởng Phạm Vũ Luận phát biểu về việc dạy sử, tôi xin có mấy ý kiến như sau:
Trước hết cần xác định vấn đề mấu chốt: mục đích của giáo dục là gì?
Ông Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã đúng vì là cán bộ cao cấp, ông phải thực hành đường lối giáo dục: đào tạo nguồn nhân lực! Nghĩa là, ở “đầu ra” của cái lò luyện đan có tên Nhà trường, là nguồn nhân lực: những Homo workerian (người – thợ), Homo commercian (người buôn), Homo finacian (người tài chính), Homo thulaian (người – thư lai) … và cao tuyệt đỉnh là Homo robotian. Hoàn toàn không phải Homo sapiens (người khôn ngoan). Đó là, mục tiêu cao cả của nền giáo dục của chúng ta bấy lâu nay!
Ngày xưa cha ông cổ hủ dạy người khác thế. Không phải đào tạo nguồn nhân lưc mà là dạy làm người. Có thể làm thày, có thể làm thợ… nhưng trước hết, đã qua trường học, anh phải là Con Người! Hành trang của người trí thức phương Đông là nho, y, lý, số. Thêm vào đó là cầm, kỳ, thi, họa. Và để trở thành tài tử thứ thiệt, kẻ sĩ còn phải biết kỵ (cưỡi ngựa), cung (bắn cung), quyền (võ thuât), kiếm (kiếm thuật). Nhờ vậy, trong quá khứ có không ít kẻ sĩ tài danh như sư Khuông Việt, Trần Nhật Duật, Hưng Đạo vương, Nguyễn Trãi, Lê Quý Đôn, Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ…
Không ít chức sắc giáo dục cho rằng, trong hoàn cành toàn cầu hóa hiện nay, tri thức quá nhiều nên cách học nhanh nhất là phân ban sớm, càng chuyên môn hóa sớm càng tốt. Không sai! Nhưng đào tạo kiểu đó nhiều lắm chỉ cho ra những người thợ khéo! Đã được đào tạo làm thợ thì cả đời anh (chị) ta cũng chỉ là thợ, dù sau này, nhờ cơ cấu mà làm gì đi chăng nữa thì cũng chỉ là … thợ!
Đó là cách làm tàn hại nhất với con người. Con người, với tư cách một tiểu vũ trụ duy nhất, trước hết phải được nuôi dạy thành CON NGƯỜI chứ không phải thành những công cụ cho bất cứ mục địch kiếm lợi nào. Cố nhiên, con người phải kiếm sống, nhưng anh ta phải được kiếm sống với tư cách CON NGƯỜI. Vì vậy, ngoài phần xác cùng kỹ năng kiếm tiền, anh ta phải được đào tạo để có một tâm hồn cao thượng, một vốn tri thức phong phú về văn, về nhạc, về họa… những thứ không trực tiếp làm ra tiền nhưng giúp anh ta sống như con người có nhân cách! Tôi quen một cô giáo có cậu con trai duy nhất. Cháu quá ngoan, học giỏi, là kỹ sư xây dựng xuất sắc. Nhưng chưa bao giờ cháu đọc qua cuốn truyện! Có thể cháu kiếm được nhiều tiền nhưng tôi nghĩ cháu không bao giờ là con người toàn vẹn. Và đó là bất hạnh!
Cái sự học thiên về thực dụng như vậy không chỉ tác hại cho từng con người cụ thể mà còn gây hại khôn lường cho cả đất nước! Không phải tất cả nhưng hầu hết các nhà khoa học xã hội của chúng ta rất yếu về khoa học tự nhiên. Chính điều này làm cho nền khoa học xã hội nhân văn Việt Nam tụt hậu thê thảm. Không chỉ thế kỷ XX mà cho tới nay, hầu hết tri thức của họ vẫn chỉ là cổ thư Tàu cùng sách thầy Tây thời thuộc địa, cái thời mà khoa học cho rằng con người có nhiều nguồn gốc, văn minh nhân loại ở vùng Lưỡng Hà lan tỏa tới Trung Hoa, Ấn Độ rồi từ đây vào Đông Nam Á…(!)
Nhưng mười năm trước, di truyền học xác nhận cái nôi duy nhất của nhân loại là Đông Phi và người tiền sử từ châu Phi di cư tới Việt Nam để rồi từ Việt Nam lan tỏa ra châu Á, châu Mỹ. Việt Nam chính là công xưởng đầu tiên của thế giới sản xuất đá cuội mài và là trung tâm nông nghiệp đầu tiên của nhân loại; người Việt Nam có chỉ số đa dạng di truyền cao nhất, có nghĩa là cổ nhất Đông Á và là chủ nhân của văn hóa Việt Nho… thì họ vẫn ngu ngơ như bò đội nón, không chỉ tụng niệm mà còn dạy dỗ học trò những tri thức đã bốc mùi! Thảm trạng này chỉ vì lý do đơn giản: họ chưa được dạy để tiếp cận kiến thức cơ bản về di truyền học!
Khi quyết định toàn bộ nền giáo dục là đào tạo nguồn nhân lực, người ta đã phạm sai lầm khủng khiếp. Thực tiễn nhân loại cho thấy, có hai nền giáo dục với hai tiêu chí khác nhau. Giáo dục phổ thông là dạy làm người, là dạy cho lớp trẻ những kiến thức khoa học cơ bản ở trình độ phổ thông và hình thành nhân cách cơ bản của người Việt Nam. Trên mặt bằng nhân cách và tri thức phổ thông ấy, đại học hay trung tâm dạy nghề đào tạo nguồn nhân lực. Vì vậy, từ xa xưa chỉ có Bộ Giáo dục mà không hề có cái gọi là Bộ Giáo dục và đào tạo!
Vì vậy, việc học sinh dốt bất cứ môn khoa học cơ bản nào cũng là thảm họa, cũng là tội của một nền giáo dục! Theo thiển ý, dốt Sử càng thê thảm hơn! Bởi lẽ, Sử là môn dạy cho học sinh biết về cội nguồn, về sự vinh quanh, về cả nỗi tủi hổ của dân tộc để từ đó hình thành tình yêu chân thực với dân tộc. Chính tình yêu này giúp hình thành nhân cách và chỉ dẫn anh ta trong cuộc sống để làm người và nếu có điều kiện, làm chính khách, làm nhà lãnh đạo! Không hiểu, không yêu lịch sử dân tộc là con người không có tâm hồn. Khi lớp trẻ tồn tại như cái xác không hồn thì còn hơn một thảm họa!
Ông Bộ trưởng cho rằng, do môn Sử không giúp kiếm tiền nên học trò không chịu học. Ý tưởng này chứng tỏ ông không hiểu bản chất việc học tập và thi cử. Mỗi môn thi là một vé để vào đại học. Khi chọn ngành học phải thi môn Sử có nghĩa là học sinh xác định môn Sử thuộc về sở trường, về năng khiếu của mình và sau này sẽ học, sẽ hành những công việc liên quan đến Sử! Vì vậy, bị trượt môn Sử có nghĩa là đánh mất tấm vé vào đại học, có nghĩa là thất bại sau mười hai năm đèn sách! Ai đi thi cũng ý thức được điều này. Vì vậy, nói trượt môn Sử không phải thảm họa, người đứng đầu Bộ Giáo dục tỏ ra không hiểu chính công việc của mình!
Nguồn:Văn hóa Nghệ An
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất Thịnh"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn Quân"Tôi viết sách vì trăn trở với tương lai đất nước"
23/11/2013Anh Vũ