Năm học mới và triết lý giáo dục cũ

06:41 SA @ Thứ Ba - 18 Tháng Tám, 2009

Năm học mới đã gần đến, các trường học khắp cả nước đang chuẩn bị đón học sinh khai giảng. Tuy nhiên, năm nay hơi bị trục trặc vì dịch cúm H1N1. Các thầy giáo và học sinh, cả cha mẹ học sinh nữa đang chờ đón nhiều thay đổi ở năm học này, nhưng có lẽ sẽ khó có đột phá nào quan trọng Cỗ xe giáo dục đang đi theo đường ray hiện tại, rất khó chuyển hướng. Cỗ xe ấy có quán tính rất lớn.

Trong tình huống đó, xem xét lại những tinh hoa văn hóa dân tộc, tìm kiếm triết lý giáo dục mà cha ông ta đã sử dụng cả ngàn năm nay, kể ra cũng là một công việc không chán lắm.

Thực vậy, trong kho tàng ngôn ngữ dân tộc có một từ đánh giá chất lượng học trò rất hay. Đó là từ “sáng dạ”. Một học trò ngày xưa không dễ được các cụ đánh giá là “sáng dạ”. Họ không những nhớ nhanh, nhớ dai những điều đã học, mà chủ yếu biết vận dụng cái đã học một cách tài tình, sáng tạo. Họ không chỉ sáng dạ khi làm câu đối, viết bài luận, mà cơ bản họ còn sáng dạ trong muôn vàn tình huống đời thường. Các cụ bảo những người sáng dạ là “học một biết mười”. Họ học được những nguyên lý cơ bản để vận dụng trong hàng ngàn tình huống khác nhau.

Nhưng tại sao các cụ lại gọi những người có khả năng vận dụng sáng tạo sở học vào thực tế là kẻ “sáng dạ”, mà không gọi là người “sáng óc”. Có phải những người đó ăn chữ vào bụng không? Chữ có thể “ăn” được không?

Theo nguyên lý tích/tản [1] thì con người có 4 bậc tích tản. Ngay lúc chào đời, khi cất tiếng khóc đầu tiên, đứa trẻ đã biết tích khí. Nó hít dưỡng khí vào phổi, tản khí vào trong các nội tạng để nuôi dưỡng có thể. Khả năng tích/tản khí của lá phổi là một khả năng tiên thiên, tự có, không phải ai dậy dỗ cả (có chăng sau này nếu đứa trẻ theo môn Yoga thì phải được dạy và học cách thở theo thuật yoga).

Tích/tản khí thì không phải học, nhưng tích/tản chất để nuôi sống cơ thể thì hơi khác. Tự đứa trẻ biết tìm vú mẹ để hít sữa, nhưng miếng cơm miếng chảo thì nó phải được bón. Có lẽ cũng phải ngoài 3,4 tuổi một đứa trẻ mới học được cách cầm thức ăn đưa vào miệng thông qua các dụng cụ (bát, đũa, thìa, nĩa,…). Quá trình học ăn còn diễn ra dài dài trong đời. Tuy nhiên, đa phần ngoài 7-8 tuổi thì trẻ con đã biết cách cầm đũa tự ăn. Hành động tự xúc cơm vào miệng gọi là “hành vi tích chất”. Các chất tích vào bụng thì được chế biến để rồi tản ra để nuôi dưỡng cơ thể. Như vậy chất nuôi dưỡng cơ thể đã được tích/tản tại dạ dày, tại cái bụng.

Trong khi đó, chữ nghĩa có lẽ được tích/tản tại óc. Ngày xưa, trường học đầu tiên và quan trọng nhất là nhà mình, người thầy đầu tiên là cha mẹ. Nên con cái gọi cha mẹ là thầy mẹ (hay thầy u). Ngày nay họ chỉ gọi cha mẹ là bố mẹ (hay ba mẹ). Tôi không bàn sự thay đổi cách xưng hô trong gia đình ở bài này, vì chưa nghiên cứu kỹ xem có phải tự cha mẹ từ bỏ vai trò làm người thầy đầu tiên, không làm gương cho con nữa, hay tự trẻ con không nhận cha mẹ họ là thầy, vì bây giờ cha mẹ lo kiếm tiền nhiều hơn lo dạy dỗ con cái.

Trong bài này, tôi chỉ bàn đến vấn đề tích/tản chữ với ý nghĩa đó là tích/tản các giá trị tinh thần vào óc, mà tại sao các cụ lại dùng từ “sáng dạ” để trỏ một học trò sáng tạo. Có lẽ không cần đi sâu lắm vào lý thuyết tích/tản, chúng ta cũng có thể đồng ý rằng nhà trường là nơi trẻ em đến để tích lũy kiến thức.

Vậy bàn luận về triết lý giáo dục có lẽ sẽ phải xoay quanh vấn đề tích/tản (tích lũy và sử dụng) kiến thức như thế nào? Hiện nay, các nhà giáo dục bàn nhiều về triết lý giáo dục. Người thì bảo vai trò của thầy là quan trọng nhất. Người thì bảo vai trò của học sinh là trung tâm. Họ còn nói rằng có thể giáo dục theo một quá trình công nghệ. Trên cơ sở các thuyết đó, họ xây dựng các triết lý giáo dục. Họ bàn đến cả tính chất thị trường của giáo dục nữa. Theo tôi nghĩ, những bàn luận ấy không sai, chỉ chưa đi sâu vào bản chất của quá trình học mà thôi. Bản chất của quá trình học là tích kiến thức vào óc, tản kiến thức đã được lựa chọn, chế biến, nâng cấp ra môi trường dưới dạng các sản phẩm tinh thần.

Sản phẩm tinh thần đơn giản nhất là một bài tập. Do đó, tích lũy kiến thức mà không làm bài tập thì mới đi được nửa quãng đường của quá trình học. Hiện nay, cách dạy học trong nhà trường (thậm chí đến cả cấp đại học nữa) là đọc- ghi. Thực chất đó là cách bón chữ cho học sinh, giống như các vú nuôi đang bón cháo cho trẻ nhỏ ẵm ngửa. Một số trường dạy học theo phương pháp mới (như xây dựng vài chương trình song ngữ, hoặc ứng dụng công nghệ giáo dục,…) cũng chưa thoát được tình trạng “bón” chữ. Do đó, có thể nói những tìm tòi cải cách giáo dục thời gian qua mới tập trung vào nửa đầu của quá trình học, nửa tích, mà chưa quan tâm nhiều đến nửa sau của quá trình ấy, nửa tản. Tích nhiều mà tản ít thì dần dần sẽ làm thui chột khả năng sáng tạo của trẻ.

Tất nhiên, ở các lớp nhỏ (vỡ lòng, hoặc lớp 1,2,3) trẻ chưa biết viết, biết đọc, chưa biết sử dụng các công cụ khác để tự “xúc chữ vào óc” thì lúc đầu các thầy cô giáo nhất định phải “bón” chữ cho trẻ. Nhưng, về triết lý ngay từ lúc mới đến trường phải dạy cho trẻ tư thế “tự ăn lấy chữ”.

Ở các lớp càng lớn thì quá trình “tự ăn chữ” phải được diễn ra càng mạnh. Phương pháp đánh giá khả năng “tự ăn chữ” là đánh giá chất lượng sản phẩm tinh thần mà học trò tản ra. Tức là chấm điểm bài tập. Bài tập thì có nhiều loại. Loại đơn giản là các bài tập vẫn cho trong sách giáo khoa, loại phức tạp và có giá trị nhất là các bài tập về lập thuyết trước đám đông. Để thuyết phục được đám đông thì kiến thức phải phong phú, lập luận phải logic, trình bày phải sáng sủa hấp dẫn. Nếu một học sinh mà đến tận lúc tốt nghiệp đại học mới tập trình bày khóa luận trước một hội đồng thì anh ta sẽ còn lúng túng trong đời vài năm nữa, anh ta chưa thể hòa nhập công đồng mà làm việc tốt ngay được.

Vì vậy, có thể thấy cách cho điểm, cách thi cử hiện nay có nhiều khía cạnh bất cập. Nó không cho biết học sinh đã tích lũy được bao nhiêu kiến thức, bằng phương pháp nào, sàng lọc lựa chọn kiến thức ra sao. Quan trọng hơn, cách chấm điểm hiện nay, càng không thể đánh giá được khả năng vận dụng kiến thức vào việc giải các bài toán thực. Cách cho điểm theo kiểu trắc nghiệm càng nguy nữa. Các dấu “tíc, tic” khô cứng càng không cho chúng ta biết gì về khả năng sáng tạo.

Cụ Nguyễn Hiến Lê từng viết rằng muốn học về một vấn đề gì thì Cụ tìm kiếm tài liệu để viết về vấn đề đó. Cụ viết ngay cả khi còn biết rất ít về vấn đề ấy. Thực chất, chính cụ đã lên một kế hoạch “tản” ra một giá trị tinh thần nào đó ngay cả khi mới bắt đầu nghiên cứu về một lãnh vực mới mẻ.

Vậy triết lý giáo dục là tự học để biết tản ra một giá trị tinh thần mà cộng đồng có thể chấp nhận. Cộng đồng nhỏ nhất mà học trò sẽ “tản” là lớp học, chứ không chỉ riêng thầy giáo đang chấm bài cho học trò đó. Do đó, cấu trúc của một trường học sẽ cực kỳ đơn giản. Trường là nơi mà tại đó học trò có thể tích kiến thức dưới bất kỳ hình thức nào. Tùy năng lực họ có thể tích nhanh, tích chậm. Thầy là một kho kiến thức sống mà trò có thể truy vấn vào đó để tích kiến thức. Ngoài ra, còn rất nhiều kho kiến thức khác, như thư viện, sách báo, bạn bè, mạng internet, môi trường sống trong và ngoài trường. Mỗi buổi học tại trường phải là một buổi trình diễn (tản) các kiến thức đã tích được dưới dạng một buổi thảo luận, một buổi nói chuyện, một cuộc tranh luận, một bài viết về một chủ đề nào đó. Điểm số được đánh giá bởi tất cả các bạn bè và thầy giáo.

Nếu theo triết lý đó, cơ hồ học sinh sẽ biết “tự ăn chữ” sau vài ba năm học tập, họ không còn chờ thầy bón chữ cho nữa. Và như vậy chỉ sau vài năm nước ta sẽ có một thế hệ thanh niên đầy sức sáng tạo.

Có lẽ các cụ ta ngày xưa đã từng chịu đói mà đọc sách. Đọc một hồi không những quên đói, mà lại thấy vui trong lòng vì tìm thấy các ý tưởng lạ ngoài các dòng chữ. Những người đã trải qua những đận “đói, vui, sáng tạo” như vậy trong lúc học thì rất dễ nảy sáng tạo trong khi gặp các cảnh huống thực tế cho nên được gọi là “sáng dạ” chăng? Có thể tôi luận chữa này chưa đúng, nhưng theo tôi đó là một trong những từ tiếng Việt hay nhất, mà đến nay ít người dùng. Thật đáng tiếc thay.

Tài liệu tham khảo

[1] Thu San Nguyễn Thế Hùng “Ngũ Hành Nhịp điệu sáng tạo”

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Ngũ hành và khoa học

    09/11/2015PhD. Nguyễn Thế HùngHọc thuyết Ngũ Hành có vài ngàn năm tuổi. Cái tuổi đó được xem là bền vững. Nhưng Học thuyết ấy rất huyền bí, bị khoa học hiện đại xem là nhảm nhí, đôi khi phản khoa học nữa. Thực tế, chúng ta đang quay lưng lại với Ngũ Hành và quay lưng lại với một "khái niệm văn hóa đã và đang bền vững"...
  • Giáo dục: Cần một triết l‎ý

    10/09/2015Dương Trung QuốcCông cuộc Đổi mới bắt đầu bằng yêu cầu “đổi mới tư duy”. Lẽ ra, giáo dục phải là người dẫn đường thì dường như nó lẽo đẽo bị cuốn theo... Phải chăng, vì giáo dục chưa có một triết lý phù hợp với nhu cầu đổi mới và hội nhập hay vì nó đã xa rời cái triết l‎ý đã từng khởi động công cuộc Duy Tân cách đây một thế kỷ?
  • Việt Nam đang đi theo triết lý giáo dục nào?

    04/11/2013GS. Chu HảoSoi thực tiễn Việt Nam vào triết lý giáo dục của thế giới, chúng ta hình như đang đi ngược chiều với mọi triết lý giáo dục hiện đại. Không thể nấn ná, đã đến lúc phải chấn hưng (hay làm lại) nền giáo dục Việt Nam.
  • Định nghĩa lại giáo dục

    29/07/2009Trần Nguyên thực hiện“Để canh tân nền giáo dục, trước hết cần phải định nghĩa lại vai trò của các chủ thể giáo dục, định nghĩa lại người dạy và người học, định nghĩa lại nhà trường và hiệu trưởng, nhìn nhận lại cả vai trò của Nhà nước trong hệ thống giáo dục”.
  • Về triết lý giáo dục

    28/07/2009Nguyên NgọcTheo tôi, nguyên nhân đầu tiên, sai lầm đầu tiên và bao trùm là ở chính vấn đề quan trọng nhất, cơ bản nhất của giáo dục: ở triết lý giáo dục. Nói nôm na ra là chúng ta định xây dựng và thực hiện nền giáo dục này để làm gì? Tôi cho rằng đang có vấn đề hết sửa nghiêm túc ở chỗ này, nơi lâu nay ta tưởng mọi sự đã chẳng còn có chuyện gì phải bàn nữa.
  • Những nhịp điệu trong tự nhiên

    15/06/2009Thu San Nguyễn Thế HùngChương này, xuất phát từ nhịp điệu tích/tản của hòn đá, khái quát lên đến nhịp điệu tích/tản của con người và cuối cùng là của một tập hợp người. Tất nhiên, một tập hợp người chính là xã hội với muôn vàn vòng Ngũ hành, muôn vàn nhịp điệu tích/tản đan xen chồng chéo, vì vậy sẽ còn rất nhiều vấn đề có thể mang ra thảo luận.
  • Lý thuyết Ngũ hành

    09/06/2009Thu san Nguyễn Thế HùngSau khi Chungta.com giới thiệu cuốn "Ngũ hành nhịp điệu sáng tạo" cùng các tác phẩm có liên quan của tác giả Thu San Nguyễn Thế Hùng, nhiều độc giả ngỏ ý được đọc cuốn sách. Được sự đồng ý của tác giả, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu toàn văn tác phẩm "Ngũ hành nhịp điệu sáng tạo" - cuốn sách tập trung nghiên cứu hai hành Kim và Thủy, coi nó là nhịp điệu tích/tản để hướng tới việc lý giải một số vấn đề mang tính cơ bản và sâu sắc hơn.
  • Ngũ hành nhịp điệu sáng tạo

    09/01/2009Thu San Nguyễn Thế HùngHọc thuyết Ngũ hành có thể xuất phát từ một nền văn hóa lớn như Trung Hoa, cũng có thể xuất phát từ Việt Nam, nơi sản sinh truyền thuyết Thánh Gióng. Học thuyết này kết hợp với học thuyết Âm Dương, có thể cho phép chúng ta đi sâu vào nhiều vấn đề quan trọng của nhận thức.
  • Giáo dục và Ngũ hành

    11/07/2008Thu San Nguyễn Thế HùngTừ phương diện tổng thể xã hội, chúng ta còn có thể so sánh đại học với một số mô hình khác, chẳng hạn theo mô hình Ngũ hành...
  • Luận thêm về thuyết Ngũ hành

    19/06/2008PhD. Nguyễn Thế HùngMột cách tự nhiên nhất và khoa học nhất chúng ta có thể hỏi: Tại sao cổ nhân cứ qui các vật, các khái niệm trên đời này về Ngũ hành? Tại sao phép gán đó lại có thể là chỗ dựa cho các tư duy? Tại sao thầy thuốc dùng Ngũ hành lại có thể chẩn bệnh chính xác, chữa bệnh hiệu quả?
  • Triết lý giáo dục bình đẳng, vì con người

    26/02/2008GS. Phan Đình DiệuVới nguồn kinh phí hiện nay, nếu biết chắt chiu chi tiêu theo kiểu "con nhà nghèo" thì VN hoàn toàn có thể miễn học phí đối với các cấp học phổ cập và giảm dần tiến đến bỏ học phí ở các cấp THPT và ĐH để xây dựng một nền giáo dục bình đẳng, vì con người. Đồng thời, cần có sự điều chỉnh chương trình để hướng tới đào tạo những HS có năng lực đọc hiểu, khả năng tư duy toán học, khả năng hiểu biết và vận dụng kiến thức khoa học, và năng lực xử lý tình huống chứ không chỉ biết học thuộc lòng...
  • Lại chuyện triết lý giáo dục

    11/10/2007Nguyên NgọcMấy hôm nay bỗng lại thấy xôn xao lên chuyện triết lý giáo dục. Có lẽ là vì vừa có cuộc hội thảo về chuyện triết lý giáo dục do một cơ quan nào đó của Bộ GD-ĐT tổ chức, mà quả thật nếu không có một bài báo tường thuật lại khá sơ sài thì chẳng ai biết nó diễn ra ở đâu, vì sao, để làm gì.
  • Cần thay đổi triết học giáo dục

    05/12/2006Nguyên NgọcTrong một bài viết ngắn gần đây trên Tia sáng, Giáo sư HoàngTụy có nói: "Để khắc phục khó khăn hiện nay, chỉ có một lối thoát duy nhất là hiện đại hóa giáo dục”. Tôi hoàn toàn đồng tình với phương hướng đó. Nhưng thế nào là hiện đại hóa giáo dục, thế nào là một nền giáo dục hiện đại?
  • xem toàn bộ