Sách và chuyện làm sách!

03:53 CH @ Thứ Tư - 12 Tháng Mười Một, 2014

Lâu nay, do “sách trường” rộng cửa và các “đầu nậu” hăng hái xông vào nên các cửa hàng có treo biển hiệu “cho thuê truyện” (thậm chí: cho thuê chuyện!) cũng hối hả ra đời. Vào bất kỳ một hàng cho thuê truyện nào cũng sẽ thấy hàng dãy gáy sách thẳng tắp, bóng lên vì băng keo và được đóng cẩn thận bằng dây thép hai ly. Trong khi những cuốn sách tình ái sướt mướt, tay ba tay tư kiểu Lửa thù vì em, Tình trả cho em, Lời cuối cho em, Tình không hối tiếc... hiện diện như phơi bày niềm kiêu hãnh vì được tồn tại tự do; thì lại có một loại khác thiên về bạo lực với những cú “pắc... hự!” của các thám tử dở tây dở ta, tung hoành từ bên này tới bên kia đại dương được mô phỏng, chắp vá cẩu thả. Bìa của những cuốn sách này bao giờ cũng là một bức ảnh ghép các chàng nàng, nếu không mang dáng vẻ đăm chiêu sầu thảm, mắt nhìn xa xăm thì cũng là những người hùng túm tóc đuôi gà buộc khăn đỏ, tay áo sắn cao, lăm lăm súng lục và xa xa là hậu cảnh máu đổ đầu rơi, ôtô lộn ngược!

Dù trong cửa hàng sách quốc doanh hay tư nhân, có quầy sách chuyên ngành hay cửa hàng có sách vở sắp xếp lộn xộn, thì vẫn thấy nổi lên một số loại sách có tính chất thời thượng. Đáng kể nhất là đủ loại từ điển, từ cỡ bỏ túi chữ nhỏ li ti đến cỡ đồ sộ người yếu sức khoẻ có lẽ phải vác lên vai. “Ăn theo” từ điển có vô số cuốn sách dày mỏng khác nhau để hướng dẫn học tiếng nước ngoài, từ ngữ pháp thực hành đến sách chỉ bảo dịch thuật với 30 ngày có thể dịch trơn tru! Bên cạnh tầng tầng lớp lớp sách tin học lại có sách truyền bá mẹo làm giàu, phương pháp thành công trong sự nghiệp được giới thiệu như là cẩm nang cho những ai đang nuôi khát vọng đổi đời. Thống trị trong các cửa hàng sách còn phải kể tới loại sách được khái quát dưới cái tên “cổ học phương Đông” của Khổng Tử, Mạnh Tử, Lão Tử, Thích Ca.... Trong hoàn cảnh số người am hiểu Hán học và triết học phương Đông đang ngày càng hiếm hoi như cánh én trong tiết thu tàn thì sự ra đời của loại sách này quả là cố gắng phi thường của các nhà xuất bản. Cách đây dăm năm, loại sách được coi là bestsrller của J.H.Chase, J.Collins, S.Sheldon... vốn ít người biết tới thì nay lại đóng vai trò đại diện cho văn học phương Tây hiện đại và đang trực tiếp góp phần đẩy Chuông nguyện hồn ai, Đi tìm thời gian đã mất... vào quầy hạ giá. Trong số này, phải nhắc tới M.Crichton, sau Công viên kỷ Jura không được đón nhận vồ vập như người ta tưởng, thì ngay lập tức có hai nhà xuất bản cùng dịch và cùng in một cuốn tiểu thuyết của ông, một cuốn giữ nguyên tên gọi Mặt trời mọc, một cuốn đổi tên cho có vẻ mafia là Bạch tuộc Phù Tang!

Thị trường sách phong phú và bề bộn là có căn nguyên sâu xa của nó, và bắt đầu có lẽ là từ những người làm sách. Chẳng thế mà lâu nay, để truy nguyên xem ai đã mang đứa con tinh thần của mình ra quăng quật trên “sách trường” mà chẳng buồn xin phép hoặc cảm tạ ông thân sinh của nó lấy một câu, nhiều bạn bè văn chương hỏi tôi: “Ông có biết ai làm Tuyển tập truyện ngắn A (hoặc Tuyển tập truyện ngắn B)?”. Lần tôi trả lời có, lần thì lắc đầu, bởi trí nhớ dẫu siêu phàm đến đâu tôi cũng không thể nhớ hết những loại tuyển tập đang dàn hàng ngang trên các quầy sách trong Nam ngoài Bắc bấy nay. Tài tình là ở chỗ, đọc một tập được người ta quảng cáo là truyện ngắn haylại thấy hay thì ít “thiếu hay” thì nhiều, đọc một tập được người ta quảng cáo là truyện ngắn trẻ lại thấy có mặt vài bác đã nhặt nhạnh được hơn năm chục “chiếc lá vàng rơi” và đủ tư cách là người thay mặt gia đình ký giấy khai sinh của nhiều cây bút cùng in trong tập! Rồi từ tuyển tập của các tác giả trẻ đến tuyển tập các tác giả nữ trẻ, từ tuyển tập các tác phẩm đầu tay đến tuyển tập các truyện ngắn “ngắn”, từ thơ tình chọn lọc đến thơ tình sinh viên, từ truyện cười An Nam đến truyện cười thế giới v.v và v.v..., tất cả cùng phơi phới đứng trên giá sách và làm nên bức tranh sinh động nhưng khôi hài của thời buổi sách báo cũng trở thành hàng hóa.

Kinh tế thị trường lên ngôi, các “đầu nậu” sách ra đời, đối với nhiều người trong số họ hai chữ “bản quyền” dường như là một quy ước của người ngoài hành tinh. Mặc cho tác giả rền rĩ kêu ca, những người tuyển chọn vẫn vượt mọi khó khăn để tra tấn máy photocopy đặng làm nên những cuốn sách do họ “chủ trì” nhưng thường quên mất vai trò “chủ chi”! Hệ quả là các nhà văn nhà thơ ngơ ngác nhìn nhau và thi thoảng mới có vị quăng mẻ lưới hú họa cầu âu, may rủi thế nào lại vớ được ông “đầu nậu”, ông chẳng kịp ca bài “chàng buông vạt áo em ra” đành dứt lòng mở hầu bao chi một hai triệu, miệng không ngớt thảm hại hóa công việc làm ăn: “Sách vở độ này ế ẩm quá, em đang định vài hôm nữa thu hồi chút vốn mời bác đến chơi, anh em mình tính toán với nhau, em quên bác sao được! Mà bác cứ hay đi đâu ấy, em gọi điện mãi không gặp”. Nhà văn thốt lời cảm ơn, yên trí giắt lưng, tí tởn ra về, bụng bảo dạ: “May mà túm được lão, nếu không thì...!”.

Năm 2000, tôi đến thăm bạn bè ở Hội Văn nghệ tỉnh kia. Họ đưa tôi xem bức thư của ông X thông báo việc ông ta quyết định đưa mấy người bạn tôi vào danh sách “81 thi nhân Việt Nam hiện đại”. Tiếp đó ông đề nghị họ gửi thơ, tiểu sử cùng 300.000 đồng để làm một tuyển tập “mai hậu lưu lại cho con cháu”. Tôi bình luận, ông này láu cá thật, ông đánh thức tính hiếu danh của người khác để kinh doanh, nếu toàn bộ “81 thi nhân Việt Nam hiện đại” hưởng ứng lời hiệu triệu, ông sẽ có 24.300.000 đồng in sách vừa kinh doanh không phải bỏ vốn vừa được cái tiếng là người biết tôn trọng, nâng niu các giá trị văn chương. Bạn tôi bảo: “Cha X muốn nghiên cứu, muốn làm sách, muốn lưu lại cho đời thì cứ tự mình làm, tại sao lại lôi chúng tớ vào. Chắc cha này tưởng bọn tớ háo danh. Bỏ ra 300 nghìn là có tên trong danh sách “thi nhân Việt Nam hiện đại” ai mà chẳng khoái, nhất là anh giáo về hưu như tớ đây, vài năm mới được một bài thơ đăng báo. Thú thật trong danh sách này khối vị tớ còn chưa biết tên, hay tại tớ ở tỉnh lẻ ít đọc nên ít biết”. Tôi nói vun vào: “Mỗi người làm sách đều có tiêu chí riêng, biết đâu với tiêu chí của ông X, bác lại xứng đáng thì sao?”, thế là bạn tôi cáu sườn: “Chú định lỡmanh như ông X đấy à?”. Không biết nhiệt tình của các “thi nhân Việt Nam hiện đại” đã đạt tới mức nào, nhưng cho tới nay vẫn chưa thấy cuốn sách xuất hiện, chắc là bởi hậu thế còn chưa ra đời! Gần đây lại thấy bạn tôi thông báo mới nhận được thư của bà Y vẫn với nội dung đề nghị gửi thơ, tiểu sử và cùng 300.000 đồng, nhưng lần này “chiếc bánh vẽ” có vẻ thơm tho ngon lành hơn. Tôi lại bình luận: cứ đà này, chẳng mấy chốc các bác làm thơ sẽ được mấy vị “đầu nậu” thông báo sắp được đề cử trao giải Noben, chuẩn bị sang Sờtốckhôm dự lễ!

Lại nhớ đầu năm 2000, ở NXB Văn hóa người ta cho ra mắt cuốn Văn hóa Việt Nam truyền thống và hiện đại do hai ông L.H.H và H.Đ.N tuyển chọn. Thấy ở bìa một người ta giới thiệu cuốn sách là “nghiên cứu của các giáo sư chuyên gia về văn hóa” tôi liền xem mục lục, phát hiện mình có hai bài tôi sung sướng lịm người, chẳng gì cũng được xếp vào hàng “giáo sư chuyên gia về văn hóa”. Nhưng đọc xong lại buồn, khối vị vô danh tiểu tốt như tôi cũng được gọi là “giáo sư chuyên gia về văn hóa”. Rồi ông H.Đ.N đưa tới một cuốn và nói khó về chuyện nhuận bút. Tôi đồng ý, song nói thêm: đây là cuốn của Nguyễn Hòa, còn cuốn của Ngọc Oanh thì sao? Ông N ngớ người khi biết Ngọc Oanh là bút danh của tôi, ông nói sẽ bàn với ông L.H.H. Hai ông bàn thế nào mà nấy năm nay vẫn chưa thấy trả lời! Nhưng theo thời gian, tôi vẫn chưa thể dứt khỏi quan hệ cá nhân với cuốn sách này chỉ vì tôi với người tuyển chọn có “quý danh” giống nhau. GS TS Huỳnh Khái Vinh, PGS Phan Ngọc, học giả Nguyễn Chí Tình... tưởng tôi làm sách đã đề nghị cho một cuốn làm kỷ niệm, còn nhuận bút bỏ qua. Tôi giải thích rành rọt với các ông, còn trong lòng thì hỉ hả: “Bác Nguyễn Chí Tình có 46 trang in không được chia cho một cuốn, mình có 16 trang lại được một cuốn là lỡi rồi”, và tôi thầm cảm ơn lòng ưu ái của hai ông L.H.H và H.Đ.N!

Nếu ai hỏi tôi bộ phận xã hội nào đang sống trong thời công nghiệp hoá mà vẫn tuyệt đối trung thành với những quan niệm của thời nông nghiệp xa xưa, không do dự tôi sẽ trả lời: một bộ phận các ông bà “đầu nậu” hoặc đang hành nghề tuyển chọn, biên soạn sách vở! Vì lẽ rất đơn giản là họ đang phát huy hết sức hữu hiệu năng lực làm việc của máy photocopy, máy quét, máy in... nhưng họ vẫn nguyện một lòng sống chết với quan niệm coi tác phẩm văn học là sản phẩm văn hóa dân gian (folklore) và nhà văn chỉ là những anh Mít, anh Xoài, khá lắm cũng chỉ đạt tầm cỡ Ba Giai - Tú Xuất, để họ có thể khai thác theo ý muốn. Năm 1998, nhân kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, nhóm tuyển chọn gồm Lê Thành Nghị, Lê Ngọc Tú, Ngô Vĩnh Bình phối hợp với ông L.H.H xuất bản tại NXB Văn họcbộ sách Văn nghệ Quân đội - Truyện ngắn hay và đoạt giải (1957 - 1997) gồm ba tập. Bản thảo bộ sách hoàn thành cuối năm 1997, Lời giới thiệu do Lê Thành Nghị viết vào ngày 15.11.1997. Thời gian chưa đủ để ông L.H.H giải quyết một vài “tồn đọng” của cuốn sách thì tháng 2.2000, một “nhóm biên soạn” phiếm chỉ nào đó đã tuyển chọn, in ấn và phát hành tại NXB Hải Phòng cuốn Văn nghệ Quân đội - Truyện ngắn hay và đoạt giải (1957 - 1999). “Nhóm biên soạn” này hầu như không mất một chút công sức tuyển chọn, thậm chí họ vô tư đến độ sử dụng luôn Lời giới thiệu trong bộ sách của Lê Thành Nghị, Lê Ngọc Tú, Ngô Vĩnh Bình, việc duy nhất khiến họ vất vả là chuyển ngày viết Lời giới thiệutừ 15.11.1997 sang ngày 22.12.1999! Chuyện không dừng lại ở đó, tháng 5.2002, một nhóm tuyển chọn khác tiếp tục in ấn và phát hành tại NXB Văn học cuốn Truyện ngắn hay và đoạt giải - Tạp chí Văn nghệ Quân đội (1957 - 2002). Tương tự như cuốn sách do NXB Hải Phòng phát hành, cuốn sách thực chất vẫn là sử dụng nguồn tư liệu của bộ sách gồm ba tập trước đây, riêng Lời giới thiệu, ngoài việc mông má hai chi tiết cho thích hợp với thời gian, số lượng, còn lại không thay đổi dù chỉ một dấu phảy! Bực mình ở chỗ, vài tác giả ngỡ tôi làm sách, bèn e dè hỏi về bản quyền, nhuận bút, sách biếu của họ, riêng một bác nổi tiếng theo trường phái “ngôn ngữ tự do” thì gọi điện thoại trách cứ tôi bằng những lời lẽ không tiện dẫn ra ở đây. Bực mình tôi kiểm tra và được biết cuốn sách ra đời trên cơ sở liên kết giữa NXB Văn học với ông L.H.H và ông là người chịu trách nhiệm về “tác quyền, nhuận bút”. Tò mò, tôi hỏi một trong ba người đứng tên tuyển chọn thì nhận được câu trả lời: Tôi không tham gia tuyển chọn, ông ấy tự ý đưa tên tôi vào, sách in ở miền Nam, gửi ra đây tôi mới biết mình có đứng tên!

Bảo rằng toàn bộ các vị “đầu nậu”, các vị tuyển chọn, biên soạn đều mang một đoạn gien “chỉ khoái chủ trì, không khoái chủ chi” cũng hơi bị quá lời, bởi đây đó vẫn có vị làm ăn đàng hoàng, tuân thủ phương châm cùng nhà văn “dựa vào nhau mà sống”. Trong kinh tế thị trường và trong chừng mực nhất định, sự có mặt của họ góp phần điều chỉnh quan hệ cung - cầu của hoạt động sáng tạo - phổ biến các tác phẩm văn học, bởi không phải khi nào và nhà văn nào cũng có khả năng đem tác phẩm của mình đến với công chúng. Do vậy, giữa người làm sách và các nhà văn có quan hệ chặt chẽ về lợi ích. Tuy nhiên ngoài yêu cầu chữ “tín” cần được bảo trọng như một giá trị đạo đức doanh nhân, xuất bản và phát hành sách còn có những yêu cầu riêng vì đây là hoạt động đem các giá trị tinh thần đến với công chúng. Chối bỏ hoặc xem thường các yêu cầu đó, thì xét đến cùng, việc xuất bản và phát hành sách của các “đầu nậu”, các tuyển chọn viên, biên soạn viên chỉ còn là hành vi trục lợi trên tài sản của người khác mà thôi!

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Đừng thu nhận tri thức kiểu... “văn hoá quà vặt”

    14/06/2019Vân LongThời gian cho mỗi người như một tấm vải, nếu tập trung ta có thể may được vài bộ áo quần tử tế. Nếu thu nhận tri thức theo kiểu “văn hoá quà vặt” “kiến thức quà vặt”, ta sẽ chỉ có được những “chiếc khăn tay sặc sỡ vụn vặt mà thôi.
  • Có phải là tính hiếu học?

    15/09/2018Nghiêm Xuân MinhNhững điều thực tiễn quan sát được gợi cho tôi phải suy nghĩ về truyền thống hiếu học của người Việt chúng ta và tôi có phần hoài nghi về sự khẳng định tính hiếu học đó.
  • Ám ảnh trần tục nơi cửa thiền

    02/02/2017Dương TùngCách đây ít lâu, vào ngày Phật đản, trong khi Phật tử, du khách nườm nượp hành hương lên chùa Non cúng đường Đại Phật tượng Phật tổ Như Lai và vào đền Sóc lễ Thánh Gióng đầy thành kính, thì ở ngay bãi cỏ cạnh đền Mẫu (thờ mẹ Thánh Gióng) diễn ra các hình ảnh chướng tai gai mắt...
  • Tản mạn về trí thức và trí giả

    31/01/2016Trương Xuân HươngTrong “Từ điển tiếng Việt” do Viện Ngôn ngữ học biên soạn, GS Hoàng Phê chủ biên, hai từ “trí thức” và “trí giả” không có nghĩa khác nhau là mấy...
  • Thói hư tật xấu của người Việt: Học không biết cách, giỏi bắt chước

    06/01/2016Vương Trí Nhàn... những bực nhoàng nhoàng thì thường cứ thấy người học cũng học, học cho thuộc cách mà thôi, chứ không có định trong bụng rằng theo những điều nào, kháp(2) đạo ấy vào tính tình riêng của người nước mình nó ra sao...
  • Thói hư tật xấu của người Việt: Thị hiếu tầm thường, Thời gian phí phạm

    06/09/2015Vương Trí NhànNgười Nam mình chưa cái gì là cái khéo. Mà càng bắt chước Tây bắt chước Tàu bao nhiêu càng xấu bấy nhiêu...
  • Thói hư tật xấu của người Việt: Học dở, dốt thông, vội vã bắt chước

    23/05/2015Vương Trí NhànNhất ghét là xấu làm tốt dốt làm thông, mượn cái văn minh của người mà trang sức bề ngoài, kỳ thực trăm việc chẳng ra gì, mà nhân cách một ngày một hư, phong tục một ngày một nát; ngọc vàng bề mặt, thối nát bề trong, văn minh chẳng thấy đâu mà càng ngày càng thêm man rợ...
  • Tư duy "kinh kệ": Đương đầu với cái sai

    06/12/2014Số liệu thống kê từ các nước phát triển cho biết kể từ 1995, tối thiểu mỗi ngày có ít nhất 4.000 tựa sách khoa học được phát hành và bổ sung vào thư mục ở các thư viện ĐH và trung tâm nghiên cứu...
  • Từ một kỷ lục về trích dẫn

    09/10/2014Nguyễn Hoàbài viết chỉ quảng 10 trang giấy mà kèm theo tới 53 trích dẫn và chú thích! Khiếp quá, đọc một tiểu luận tần đầy các trích dẫn theo lối “ông John” cho rằng, “bà Smith” từng viết, rồi ông “ốp” ông “ép” đã nói…, tôi không thể nắm bắt đâu là khám phá, quan niệm học thuật của NN và đâu là khám phá, quan niệm “nói theo”...
  • "Cần nhìn lại văn hoá Việt Nam một cách sòng phẳng"

    10/07/2014Minh ThiChúng tôi nghĩ, trước một thực trạng văn hoá đang xuống cấp về mọi mặt, điều quan trọng là phải bắt đầu từ một nền giáo dục toàn diện & tiên tiến. Giáo dục tiên tiến dạy cho con người ta khả năng đầu tiên là khả năng phản đối trước khi đồng ý, với nguyên lý cơ bản là tạo ra con người độc lập, tự do cho xã hội
  • Người Việt có “văn hóa đọc”?

    14/05/2014Yên HàNhìn lại tình hình sách in quá khiêm tốn của chúng ta hiện nay, người thì cho là lỗi của xã hội thờ ơ với sách, người thì gán tội cho người viết không thể sáng tạo ra những đứa con tinh thần xinh đẹp để người đọc phải đổ xô đi tìm, người thì đổ lỗi cho sự bành trướng của báo trí, truyền hình, Internet…
  • Biết khó, làm dễ

    03/12/2010Phan Quân (Thanh Nghị, số 28, ngày 1-1-1943)Bài viết từ hơn 60 năm trước mà đọc vẫn thấy như bàn chuyện bây giờ. Có thể những chuyện trì trệ ở Trung Quốc và ở nước ta không phải chỉ đơn thuần là do quan niệm sai lầm “biết dễ làm khó” mà có nhiều nguyên nhân quan trọng khác nữa, nhưng quan niệm ấy quả vẫn còn tác dụng tiêu cực cho đến bây giờ. Người ta nói nhiều nguyên nhân thiếu thông tin, thiếu hiểu biết gây ra các tổn thất này nọ, nhưng cái sự “thiếu” ấy vốn có gốc rễ ở thói quen lâu đời coi thường tri thức...
  • Khoa học theo “mốt”

    10/02/2006Nguyễn HoàMốt nào rồi cũng qua đi, mãi mãi còn lại là con người với khát vọng làm đẹp mình, làm đẹp xã hội. Tuy nhiên, khi khoa học chạy đua theo mốt thì chuyện không hoàn toàn như vậy. Phải chăng đây là một trong những nguyên nhân đẩy tới nghịch lý: đất nước nhiều giáo sư tiến sĩ song vẫn thiếu các nhà khoa học đích thực, thiếu các chuyên gia đầu ngành?
  • Tiểu luận, nghiên cứu khoa học... bi hài ký

    11/01/2006Đoàn Tất ThảoTiểu luận, nghiên cứu khoa học là những “phạm trù” gắn chặt với sinh viên. Không thể phủ nhận nhiều trường, giảng viên và sinh viên coi đây là một công việc nghiêm túc, nhưng vẫn có những nơi, những người coi đây là một trò vui không hơn...
  • Phía sau giảng đường

    01/01/2006Trần Thanh TườngĐã có không ít bài báo nêu nên thực trạng lối sống thiếu lành mạnh của một bộ phận sinh viên hiện nay. Phía sau giảng đường, vẫn có và luôn tồn tại không ít những điều, những chuyện mà lẽ ra không bao giờ có trong môi trường sinh viên -nột tầng lớp trí thức sẽ đảm đương vai trò xây dựng và bảo vệ đất nước...
  • Đạo

    28/10/2005Nguyễn HuyPhải nói ngay rằng tiếng Việt có nhiều từ “đạo” - đồng âm, khác nghĩa. Có điều, gần đây dư luận rất hay nhắc đến một từ “đạo”, không phải là một trong những từ chính thống, có giải nghĩa trong từ điển tiếng Việt mà lại là một từ gọi tắt, và đáng buồn - theo nghĩa xấu. Ấy là “đạo” trong “đạo chích”...
  • Sinh viên = Xoàng xĩnh?

    29/09/2005Nguyễn Trương QuýTại sao vẫn tồn tại quan niệm là sinh viên thì luôn đi cùng với sự lúi xùi, xoàng xĩnh, với không gian nhà trọ tù đọng, với học như đi xem phim rạp, hết phim rồi sẽ ra, thế nào cũng tốt nghiệp?
  • “Đừng tưởng đỏ là chín”

    09/08/2005Ngọc LanVào một ngày đẹp trời, bỗng nhiên nhận được một lời đề nghị tặng thưởng rất trang trọng hoặc một tấm “mề đay” lóng lánh từ phương trời xa lắc xa lơ nào đó, bạn sẽ ứng xử thế nào? Hân hoan, nửa tin, nửa ngờ hay phát cáu lên vì cho rằng đó là trò “bịp” của kẻ nào đó muốn chơi khăm mình?
  • Phép “tàng hình” của những tài năng trẻ Việt Nam

    04/08/2005Chúng ta có rất nhiều tài năng khoa học trẻ và các thần đồng Nhưng các thần đồng ấy mỗi ngày một biến mất và họ chỉ còn lại cái lý lịch quá khứ của thần đồng và các tấm huy chương. Vậy ai “ăn thịt” họ?
  • Ca tụng sự khôn khéo thay vì trí tuệ

    17/06/2005Trần Đình HượuKhông ca tụng trí tuệ mà ca tụng sự khôn khéo. Khôn khéo là ăn đi trước, lội nước theo sau, biết thủ thể, giữ mình, gỡ tình thế khó khăn. Đối với cái dị kỉ, cái mới, không dễ hoà hợp nhưng cũng không cự tuyệt đến cùng, chấp nhận cái gì vừa phải, hợp với mình nhưng cũng chần chừ, dè dặt, giữ mình...
  • Chưa có văn hoá khoa học

    17/06/2005Bùi Mộng HùngTây cũng như Đông, đều tìm hiểu thiên nhiên, tìm hiểu con người. Ngày nay tinh thần khoa học rất nghiêm ngặt trong tiêu chuẩn của cái biết. Thâm tâm một số “tri thức” và “học giả” Việt Nam trong cũng như ngoài nước, không khỏi cho rằng ta, Đông phương đã biết cả rồi...
  • xem toàn bộ