Cơ hội của thời kỳ phát triển mới

Học viện Hành chính Quốc gia
03:54 CH @ Thứ Sáu - 27 Tháng Mười Một, 2009

Ở đời ai cũng luôn có cơ hội được nhận những trách nhiệm và khẳng định mình. Nhưng đồng thời đó là thách thức, vượt qua được nó sẽ có uy tín và vị thế. Nhưng điều xuyên suốt là cách thức và chất lượng của quá trình hội nhập.

Ý nghĩa của câu ‘các Đế quốc bị sụn lưng bởi sức nặng của chính nó’ ( thực ra không chỉ đúng với ‘Đế quốc’ mà đúng với mọi quốc gia ) ở chỗ: các mưu cầu, vấn đề, sức ép, hệ quả…ngày càng lớn buộc nó phải tháo gỡ vướng mắc, chia sẻ trách nhiệm, thậm chí từ bỏ luận thuyết không phù hợp. - nên phải thực hiện điều đó với nhiều đối tác thậm chí không cùng ý thức hệ và chiến tuyến, bằng những phương thức Hòa bình. Chúng ta có thể tham khảo được tinh thần và thực tiễn ấy trong chiến dịch tranh cử của Tổng thống Mĩ Barac Obama cho đến hôm nay Ông phải chứng tỏ khẩu hiệu 4C ông đã đưa ra ( Change– Chance – Co- operate – Challenge ). Một cường quốc như Mĩ hay bất cứ Quốc gia nào khác, ngày nay đều nhận thức thấy con đường của mình là chứng minh đảm nhận được những vai trò trong các Thể chế quốc tế với qui mô khác nhau, nhờ vậy mới giải quyết tốt và đúng những bài toán phát triển quốc nội trong sự hội nhập hiệp tác.

Việt Nam vừa kết thúc nhiệm kì 2 năm Chủ tịch HĐ Bảo an LHQ, một cơ hội lịch sử, qua đó chúng ta có được sự thừa nhận bước đầu về vai trò Quốc gia của mình trong diễn đàn cao nhất của Thế giới, đồng thời tích lũy được những kinh nghiệm nhất định trong ứng xử quốc tế với các vấn đề toàn cầu cũng như vấn đề của mỗi quốc gia. Nhưng qua đó cũng cho thấy rằng nếu Việt Nam có thực lực và chuẩn bị tốt về Quốc nội thì đã có thể sẵn sàng hơn đặt lên bàn nghị sự quốc tế cho những mưu cầu chính đáng của Quốc gia mình.

Đến hôm nay Viêt Nam lại chuẩn bị đi vào một trọng trách mới: Vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN! Chính phủ Việt Nam ý thức cao chuẩn bị tốt cho điều đó, để sẽ không bỏ lỡ cơ hội khiến đối tác lắng nghe và tôn trọng mình, qua đó thêm một lần hiểu hơn thế nào là Win – Win. Giúp chúng ta giải quyết tốt hơn các vấn đề quốc nội hướng tới các chuẩn mực văn minh và chính trị tiến bộ hướng tới phát triển và thịnh vượng chung.

Ở đây, sự phát triển là khả năng khai thác tích cực những tiềm năng, vận hội, nguồn lực của từng tổ chức và cá nhân trong không gian mở toàn cầu, nhằm đến những mục tiêu chất lượng sống và bền vững của Công dân và Cộng đồng. Như thế đòi hỏi một sự hợp tác có tổ chức siêu Vĩ mô – đó là hành động chung của các Chính phủ trong Thể chế, Thiết chế và Cơ chế bình đẳng, đồng thuận, hài hòa. ASEAN là một tổ chức có viễn cảnh như vậy.

Việt Nam làm chủ tịch ASEAN cho thấy rõ: ở vị trí đó không phải là tận dụng để áp đặt, vị kỉ mà là giương cao tinh thần ấy với nỗ lực được đòi hỏi xuất sắc hơn, mạnh mẽ hơn, trong sáng hơn, hiệu quả hơn….Người dân có cơ hội hiểu hơn thế nào là Chính trị tiến bộ: không tiếm quyền, không tự đặt mình lên ngai vàng tót vời mà là phụng sự cho những giá trị Nhân sinh được lên ngôi. Đó là thứ Chính trị của lòng tin, trách nhiệm, ủy thác, và chuyển giao được được những sứ mệnh và giá trị với qui mô và nhân sinh quan vượt biên giới quốc gia.

Từng thời kì, với nhiệm kì luân phiên, Chính phủ Quốc gia nào gánh trọng trách làm Chủ tịch của Khối, phải đặt lên bàn nghị sự những chủ đề rất vĩ mô, nhưng tác động và ảnh hưởng của nó lan tỏa và thẩm thấu đến thực thể vi mô của xã hội. Vì vậy không còn là chuyện riêng của Chính phủ. Vấn đề là tạo nên những làn sóng cộng hưởng như thế nào trong toàn xã hội để tận dụng những cơ hội, trào lưu. Động thế năng của ‘Bánh xe thời đại toàn cầu’ mà ghi được dấu mốc lịch sử, mà sự kiện chỉ là duyên cớ, điểm kích sự chuyển đổi tới hạn cho thời kì sự phát triển mới.

Với tư cách thành viên của ASEAN, hơn nữa đến lượt mình đảm nhận vai trò Chủ tịch của khối, những ý tưởng tuyệt đẹp của ASEAN thuộc về ý chí chính trị của mỗi Quốc gia có thể cam kết thực hiện đến đâu trong việc giải quyết tích cực những vấn đề của mình để tích cực hội nhập. Hơn thế cần phải được tiến hành như là tấm gương, sự mẫu mực mang tính học tập như là chuẩn mực của Khối, chứ không thể là sự áp đặt bằng bất cứ biện pháp nào. Chính phủ chứ không phải là Ai khác là bộ mặt, đại diện mang tư cách và tiềm năng Đất nước, khí chất Dân tộc, bản lĩnh Quốc gia để ‘mang chuông đi gõ nước người’. Do đó sự áp đặt một lần nữa cho thấy là không thích hợp, thay vào đó phải là kiến tạo, định hướng, phục vụ một cách hiệu quả, tin cậy, chất lượng tất cả các đối tác trong ngoài nước trên sân chơi chung.

Thế kỉ này sự vươn lên được hay không ở chỗ định nghĩa, định vị, định thế được m ục tiêu phát triển trong Tầm nhìn của Lãnh đạo + Năng lực vượt thách thức của các nhà quản lý + Phẩm cách tự cường, tự tôn tự hào của nhân dân. Với mỗi quốc gia dựa trên Ba Lực lượng: Kinh tế + Ngoại giao + Quốc phòng. Trong hội nhập điều đáng lo không phải là thiếu vốn hay thiếu công nghệ. Lịch sử Việt Nam chứng tỏ chúng ta không sợ thiên tai, địch họa. Điều ghê gớm là là nhân họa bên trong xã hội của mình – đó mới thực sự là tại họa vậy. Lực lượng phải xây dựng và tích lũy. Nhờ tác dụng tích cực của hội nhập nên có thể có được bằng các Trục, các quan hệ, các cấp độ liên minh. Lúc này nổi lên là phải có chiến lược Quốc gia: sử dụng tốt nguồn nhân lực của xã hội mình. Với những quốc gia nghèo đó dường như cách còn lại duy nhất. Đó là con đường để không bị tụt hậu và dần có vị thế quốc tế. Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc là các đối tác của ASEAN, với cách thức phát triển của họ, đều cho chúng ta những suy nghĩ, kinh nghiệm quí giá về những bài học như vậy.

Thời đại ngày nay người ta nói đến ‘Không gian mạng’ – trong đó chứa đựng tiềm năng về đa liên kết và khả năng chia sẻ là không giới hạn. Từ đó những giá trị mới, gia tăng được sản sinh từ những lợi thế, sự khác biệt của mỗi Quốc gia. Hơn là đóng kín tự ôm ấp hít hà những thứ được gọi là ‘bản sắc’ hay ‘huyễn ngã’ mà không thể đi đến sự phát triển hay cống hiến. Khả năng có được vị thế cao hơn trong không gian đó ở chỗ khai thác được không, ứng xử như thế nào, đóng góp được gì để kiến quốc và được tôn trọng. Giá trị gia tăng và tính hữu ích là sự đảm bảo duy nhất chỗ đứng của mình trong nền kinh tế tri thức phụ thuộc vào cách tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, và sự vận hành nó để khai thác được những tiềm năng và yếu tố tích cực của các Nguồn lực. Vì thế Sản phẩm là những mũi tên, Doanh nghiệp phải là cánh cung, Chính phủ tổ chức họ thành những đội ngũ không phải để chiến đấu mà là tiến công vào những thị trường với thành lũy là Văn hóa, hệ thống các tiêu chuẩn kĩ thuật, thương mại và chất lượng. Để dân chúng ở đó mở cổng thành cho chúng ta vào. Từ đó là nên những tên tuổi toàn cầu - Thương hiệu quốc gia đó.

Sự kiện Việt Nam làm Chủ tịch luân phiên ASEAN từ 1/2010, cả xã hội Việt Nam từ cơ quan Chính phủ, đến các tổ chức, doanh nghiệp, gia đình và cá nhân đứng trước một cơ hội chủ động phản tỉnh và định vị lại Hệ giá trị của mình để đi đến tái cơ cấu, đổi mới hoặc cải cách lại triệt để hơn trong phương thức hoạt động hướng tới hội nhập tích cực và có tầm vóc.

Chúng ta có cơ hội tốt hơn hiệp tác đối thoại với các nước trong diễn đàn APEC. Có thể thảo luận đa phương về vấn đề Biển Đông, khai thác Mêkong với đối tác lớn là Trung Quốc. Việt Nam có thể thu hút nhiều sự quan tâm và đầu tư hơn từ các nước thành viên. Các Doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện xúc tiến thương mại mạnh và hiệu quả hơn vào thị trường chung của Khối.

Nhưng có nhiều thách thức cho cương vị là Quốc gia làm Chủ tịch ASEAN khi phải có tiếng nói và đưa ra cách thức cho vấn đề Myanma, Thái Lan…Trước tiên chúng ta phải có tư cách đáng trọng thông qua cách giải quyết, cải thiện với những vấn đề của chính mình. Nhìn vào thực tiễn Quốc nội, Chính phủ có muôn vàn nhiệm vụ phải thực hiện, nhưng tựu trung lại với tất cả những gì chúng ta thấy bức xúc hay bạn bè quốc tế có thể cảm nhận, Chính phủ Việt Nam có trách nhiệm phải làm cho những người dân dễ sống hơn với 5 Điều:

- Dễ sống hơn với lao động
- Dễ sống hơn với điều tốt
- Dễ sống hơn với cái Thật
- Dễ sống hơn với Luật pháp
- Dễ sống hơn với thu nhập

Sự thành công trong trách nhiệm này chính là cái thành tựu cao nhất cần hướng tới, là điều có thể đối ứng được với muốn sự thách thức và đảm bảo cho uy tín của Chính phủ đứng trong các chương trình nghị sự của Quốc tế.

THAM KHẢO ( Nguyễn Tất Thịnh – biên soạn )

Thời đại mới cho khối ASEAN

Tăng cường khả năng đối phó với các mối đe dọa toàn cầu là một vấn đề được ưu tiên cao trong các chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh ASEAN.

Các Bộ trưởng Tài chính từ ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã nhất trí tăng thêm 40 tỉ USD từ mức đề nghị ban đầu là 80 tỉ USD cho quỹ dự trữ của ASEAN+3 nhằm giúp các nước liên quan giải quyết việc thiếu vốn nước ngoài, bảo đảm sự ổn định cũng như củng cố niếm tin vào thị trường các nước khu vực.

Các nước ASEAN sẽ tiếp tục cam kết củng cố sự hợp tác nhằm giải quyết các vấn đề có ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân khu vực, bao gồm an ninh lương thực, an ninh năng lượng và quản lý thảm họa.

Việc củng cố ASEAN thành một cộng đồng hiệu quả hơn mới là trọng tâm. Vì thế, các thỏa thuận, trong đó quan trọng nhất là Tuyên bố về Lộ trình cho Cộng đồng ASEAN giai đoạn từ 2009 đến 2015, với Hội đồng Cộng đồng Anh ninh và Chính trị ASEAN, Hội đồng Cộng đồng Kinh tế ASEAN và Hội đồng Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN là 3 trụ cột chính.

Để biến ASEAN thành một tổ chức hiệu quả và dựa trên các luật lệ có tính ràng buộc, thúc đẩy việc thiết lập các cơ quan ASEAN mới theo Hiến chương.

Nỗ lực để tăng cường sự tham gia của người dân khu vực vào tiến trình xây dựng cộng đồng ASEAN. Điều này sẽ đánh dấu một bước ngoặt trong việc tạo ra một cảm giác “công dân ASEAN” trong lòng người dân ASEAN.

Khối ASEAN đang nỗ lực xây dựng cộng đồng cũng như tăng cường ý chí chính trị nhằm đẩy nhanh tiến trình hội nhập khu vực. Những năm tới sẽ rất quan trọng trong việc thử thách năng lực của ASEAN trên con đường tìm kiếm xây dựng một cộng đồng ASEAN qua sự ổn định về chính trị, sự tăng trưởng về kinh tế và sự thịnh vượng chung.

ASEAN phải thay đổi

Khi ASEAN được thành lập vào năm 1967, đã có những lo lắng cho rằng khu vực Đông Nam Á có thể bị ‘Balkan hóa’, bị chia rẽ, đối đầu và xung đột giữa các quốc gia mới vốn rất cạnh tranh bởi sự khác biệt trong phát triển. Các nước Đông Nam Á đã vượt qua được sự lo ngại đó, thế nhưng một số nước ủng hộ ASEAN mạnh mẽ nhất, trong đó có Cựu Ngoại trưởng Singapore ông Kishore Mahbubani, vẫn e ngại ASEAN có thể sẽ phải đối mặt với những vấn đề của việc phát triển quá mạnh mẽ trong giai đoạn ‘trung niên’ sau 42 năm hoạt động của tổ chức này.

Cho tới lúc này, các nước Đông Nam Á vẫn là ví dụ tiêu biểu nhất về sự hợp tác khu vực, vẫn là các nước có nền kinh tế mở nhất và vẫn là khu vực thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất ở châu Á. Tuy nhiên, nói một cách thẳng thắn thì với sự lớn mạnh của Trung Quốc và Ấn Độ, ASEAN đã trở nên tụt hậu vì Trung Quốc và Ấn Độ hiện đang thu hút đầu tư nước ngoài nhiều hơn ASEAN rất nhiều. Vì vậy, nếu ASEAN không ‘thức dậy’ và nhận thức được cần phải tự do hóa kinh tế khu vực nhanh chóng hơn nữa thì tổ chức này sẽ bị tụt hậu so với Trung Quốc và Ấn Độ. Đây chính là sự suy thoái chính trong giai đoạn ‘trung niên’ mà tổ chức ASEAN phải đương đầu”.

Những giới hạn cản bước ASEAN

Theo ông Rizal Sukma, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược của Indonesia, ASEAN đang bị giới hạn trong khuôn khổ của chủ nghĩa bảo thủ và những thành tựu kinh tế đã đạt được trong quá khứ. Ông cũng cho biết ASEAN đang gặp vấn đề với vai trò của tổ chức này trong Đông Nam Á cũng như khả năng giải quyết với các nước lớn ở Châu Á: “ASEAN đang thực sự rơi vào khủng hoảng trầm trọng, xét về tính phù hợp lẫn lợi ích của tổ chức này trong việc thực hiện những cải cách mang tính chiến lược sắp tới.”

Mặc dù các nhà lãnh đạo ASEAN đã đồng tình với sáng kiến của Indonesia về việc hợp nhất và củng cố liên kết thông qua cam kết của các nước thành viên nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn và không chắc chắn. Vì vậy, ASEAN vẫn đang trong quá trình thực hiện chứ chưa có thành tựu.
Đây không phải lần đầu tiên một nhận định như vậy được đưa ra. ASEAN đã từng tranh cãi trong một thời gian dài về việc tổ chức này đã kết hợp giữa ‘mồi’ và ‘bóng’, giữa hình thức và chức năng hoạt động như thế nào.

Tuy những tham vọng cũng như vai trò của Hiến chương ASEAN có gia tăng nhưng với mô hình đặc thù của mình thì về bản chất, ASEAN chưa có sự thay đổi và các nước thành viên cần phải chứng tỏ rằng ASEAN có thể thay đổi một cách sâu sắc.”

Những công việc trong tầm tay của ASEAN

ASEAN có thể là tấm gương lãnh đạo Châu Á một cách hiệu quả nhất và hơn nữa, điểm yếu của ASEAN có thể trở thành một trong những thế mạnh của tổ chức này vì ASEAN không phải là mối đe dọa đối với các cường quốc kinh tế. ASEAN thực sự có thể trở thành một tổ chức trung gian hiệu quả nhất, một tấm gương trong phạm vi khu vực, vì vậy có thể tránh được ‘chuyện bé xé ra to’ trong việc gìn giữ an ninh và hòa bình. Xét về kinh tế, các nước ASEAN đã hội nhập rất nhiều. Xét về các quan hệ đối ngoại, ASEAN là một khu vực hòa bình và có thể nêu ra tấm gương đó bằng sự lãnh đạo mềm dẻo thay vì đưa ra những yêu sách nhằm thể hiện quyền lực lớn. Theo tôi, ASEAN có thể giúp đỡ và mở rộng quan hệ với các nước châu Á.

“Nhật Bản và Trung Quốc sẽ hòa giải với nhau trong một số vấn đề và mối quan hệ giữa hai quốc gia này sẽ được thắt chặt hơn nữa. Những bất đồng về mặt chính trị sẽ sớm được giải quyết và lúc đó thì cả hai ‘người khổng lồ’ này có thể đưa ra được những quyết định lãnh đạo phù hợp hơn giống như trường hợp hòa giải giữa Pháp và Đức ở Châu Âu trước đây. Tuy nhiên, đến lúc đó thì vai trò lãnh đạo của ASEAN sẽ bị yếu đi, không phải bởi vì sự hợp tác giữa Nhật Bản và Trung Quốc là quá tuyệt vời mà bởi vì dường như không còn sự lựa chọn nào khác để phát triển vai trò của ASEAN. Đây là một phần của những lý lẽ biện hộ mà ASEAN đang đưa ra”.

Những vấn đề cần làm với ASEAN

Cựu Ngoại trưởng Thái Lan Surin Pitsuwan cho biết: “Mặc dù chưa hoàn hảo nhưng nếu không có ASEAN thì khu vực Châu Á-Thái Bình Dương cũng không thể phát triển như vậy”. Ông cũng cho biết ASEAN có thể đưa ra nhiều mục tiêu thay đổi hơn nhưng vẫn chưa có mục tiêu nào được hoàn thành bởi những vấn đề mà ASEAN đang theo đuổi là quá khó khăn.

Dù vậy, ASEAN sẽ còn thực sự lớn mạnh hơn cả ‘phép cộng’ các nước thành viên thuần túy. Tuy nhiên, xét về quan hệ ngoại giao khu vực cũng như quốc tế thì đơn thuần ASEAN chỉ là ‘phép cộng’ các vấn đề cũng như tiềm năng, thâm hụt ngân sách và tài sản của các nước thành viên. Vì vậy, ASEAN thành công cũng đồng nghĩa với việc thế giới sẽ nhẹ gánh lo hơn.”

Những câu hỏi về sự thất bại của ASEAN được hình thành từ những thành công của tổ chức này. Những thành tựu mà ASEAN đạt được đã xoa dịu mối quan hệ giữa chính phủ các nước Đông Nam Á. Sau đó, ASEAN đã sử dụng đặc quyền ngoại giao với tư cách là một tổ chức mang tính chất khu vực để tiếp cận các nước Châu Á khác, thậm chí còn định hướng mục tiêu cho Châu Á trong các cuộc thảo luận. Đây chính là nghịch lý bởi ban đầu, ASEAN được thành lập với mục đích phát triển hợp tác kinh tế và xã hội trong khu vực.

Thực tế, ASEAN có nhiều thành công hơn về mặt chính trị vì trong một Châu Á có nhiều cường quốc kinh tế mới nổi lên như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản thì diễn đàn ASEAN là nơi duy nhất để các cường quốc gặp gỡ thường xuyên, thoải mái và thể hiện quyền lực của mình. Vì vậy, ASEAN đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc tạo ra một diễn đàn khu vực tốt và rộng rãi. Đây là một sự đóng góp rất lớn về mặt chính trị. Tuy nhiên, ở khía cạnh kinh tế, ASEAN đã chậm chạp trong việc mở cửa thực hiện tự do thương mại và đầu tư. Ngoài ra, còn một số vấn đề ASEAN chưa nhanh chóng thực hiện và cần tiến hành thêm”.

“ASEAN nằm trong những nước dẫn đầu về số lượng các công ty nhà nước hoạt động trong lĩnh vực kinh tế. Việc thay đổi thể chế chính trị tại các quốc gia ASEAN cũng đồng nghĩa với việc thời kì tập trung quyền lực đang bị thách thức. Chính phủ các quốc gia này đang bị người dân đặt dấu hỏi và kiểm tra kĩ hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền. Tầng lớp trung lưu của Đông Nam Á đang mở rộng và đưa các nước này hướng tới một xã hội dân sự mở rộng hơn.”

Nói về những thách thức nội bộ mà ASEAN phải vượt qua: “Quyền tự trị và phân cấp quản lý là yêu cầu rất tự nhiên ở khu vực này. Vì vậy, sự ổn định mà chúng ta hướng tới ở khía cạnh tiến bộ chính trị sẽ không được đánh giá nhiều thông qua mức độ dân chủ hóa, thể hiện qua sự tự do và công bằng khi bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử mà sẽ được đánh giá ở góc độ phân cấp quản lý”.

Chúng ta đang tiến vào một kỷ nguyên mà những hoạt động của chính phủ được giám sát kỹ lưỡng và chính phủ có trách nhiệm phải giải trình cho người dân. Đây là một bước phát triển quan trọng trong thế kỷ này.

Cách khai mở tiềm lực ASEAN

Phát biểu tại diễn đàn về lãnh đạo của ASEAN ngày 28-9 ở Singapore, Thủ tướng Lý Hiển Long đã đề xuất bốn biện pháp lớn để khai mở tiềm lực của ASEAN giữa thời đại cạnh tranh gay gắt toàn cầu.

Thứ nhất, ASEAN nên hướng ra bên ngoài và xây dựng mạng lưới quan hệ với các "tay chơi" lớn khác của thế giới thông qua các hiệp định thương mại tự do và các hiệp ước hợp tác khác.

Thứ hai, cần đẩy nhanh hội nhập kinh tế giữa các thành viên ASEAN. Hành động phải đi theo sau cam kết trong việc mở cửa nhiều lĩnh vực kinh tế khác nhau.

Thứ ba, ASEAN cần thay đổi cách tư duy sao cho tất cả 10 thành viên có thể vượt qua lợi ích quốc gia nhỏ hẹp và hướng đến lợi ích chung của toàn khối.

Thứ tư, làm thế nào để ASEAN có một ý nghĩa nào đó đối với 550 triệu người dân và họ phải ý thức về vận mệnh chung của mình.

Theo Thủ tướng Lý Hiển Long, các thành viên ASEAN cần được những nguyên tắc trên hướng dẫn trong thời gian xây dựng một cộng đồng ASEAN năm 2020. Trong bài diễn văn của mình, Thủ tướng Lý Hiển Long đã nhìn nhận trung thực những thành tựu cũng như những điểm yếu kém của ASEAN.

Ông chỉ rõ tốc độ chậm chạp trong hội nhập kinh tế là điều đáng quan ngại. Nếu ASEAN không đẩy nhanh việc cởi mở nền kinh tế, khu vực này sẽ trượt khỏi tầm nhìn của các nhà đầu tư.

Về cuộc đua giành nguồn đầu tư, theo ông Lý, ASEAN không chỉ phải đương đầu với Trung Quốc và Ấn Độ mà còn với các điểm đến mới như Trung và đông Âu.

Ông nhấn mạnh: các thành viên ASEAN nên làm theo những cam kết mở cửa 11 lĩnh vực ưu tiên, trong đó có hàng điện tử, chăm sóc y tế, hàng không và du lịch, với "hành động thật sự và cụ thể".

Ông vẽ ra viễn cảnh "một doanh nhân ở Bangkok có thể đưa công ty mình lên thị trường chứng khoán ở Singapore, sản xuất hàng hóa ở TP.HCM và Jakarta rồi sau đó chở hàng đến các thị trường như Mỹ và Liên minh châu Âu".

Theo Thủ tướng Lý Hiển Long, không chỉ kinh tế mới là lý do để xích lại gần nhau, ngày nay nhiều vấn đề khác không còn tính biên giới như nguy cơ khủng bố hoặc bệnh cúm gia cầm. Vì thế ASEAN cần có cách tiếp cận chủ động để giải quyết những vấn đề này cũng như các thách thức khác.

"Làm việc với nhau để giải quyết những mối nguy không truyền thống từ an ninh hàng hải, khói cháy rừng cho đến các hiểm họa sức khỏe như bệnh SARS và cúm gia cầm sẽ giúp chúng ta nâng cao mức độ thấu hiểu giữa các tổ chức của chúng ta" - Thủ tướng Lý Hiển Long kết luận.

ASEAN và tương lai phát triển

Viễn cảnh khu vực ASEAN sẽ có một đồng tiền chung có thể sẽ không xảy ra, tuy nhiên, ý tưởng này vẫn còn đang được cân nhắc và xem xét rộng hơn trong cộng đồng chung Châu Á – Thái Bình Dương.

Bên cạnh đó, trong cuộc họp thượng đỉnh của khối ASEAN đang diễn ra tại Hua Hin, Thái Lan, ý tưởng kết hợp ASEAN với APEC cũng đang được đưa ra bàn bạc giữa các nhà lãnh đạo các quốc gia Đông Nam Á. Ý tưởng này hướng tới việc thêm nhiều quốc gia cùng hợp tác trong các vấn đề an ninh và thương mại khu vực. Dầu vậy, chặng đường để hiện thực hóa vẫn còn rất xa.

Hiện ASEAN và các bên đối tác đã hứa cùng nhau hợp tác chặt chẽ hơn trong vấn đề hội nhập kinh tế, thay đổi khí hậu và ứng phó với thảm họa. Ngoài ra, với việc Thủ tướng Úc phác họa ý tưởng về việc thành lập một tổ chức rộng lớn và rõ nét hơn, các nhà lãnh đạo cũng bàn bạc về tương lai lâu dài của khối cũng như của hội nghị thượng đỉnh Đông Á.

Ý tưởng của Thủ tướng Úc Kevin Rudd là kết hợp APEC và ASEAN lại để trở thành một liên minh có tầm ảnh hưởng rộng lớn với vấn đề an ninh là trọng tâm hoạt động: “Một liên minh như vậy phản ánh sự thật là khu vực năng động này đang trở thành trung tâm của các hoạt động kinh tế thế giới trong thế kỉ 21. Tuy nhiên, vẫn còn những thách thức an ninh thật sự đòi hỏi chúng ta phải đối diện, phải có sự tăng cường hợp tác khu vực và các cơ chế hợp tác cũng như các tổ chức trong tương lai”.

Nhật Bản đề xuất ý tưởng rằng các quốc gia Bắc Á sẽ sử dụng chung một đồng tiền. Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva: “ASEAN sẽ tiếp tục áp dụng chủ nghĩa khu vực mở. ASEAN biết rằng trước những hoàn cảnh và môi trường đang biến đổi, sự hợp tác và thỏa thuận giữa các quốc gia cũng phải thay đổi. ASEAN cũng đã nhận được những phản hồi tốt từ các bên đối thoại. Với cách thức này, giữ vững nguyên tắc trung tâm của ASEAN và tạo ra những đóng góp to lớn không chỉ riêng cho khu vực Đông Nam Á mà còn cho cả khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và thế giới”.

Trong năm vừa qua, ASEAN đã thay đổi hiến chương với mục đích chuyển từ một ‘câu lạc bộ các quốc gia’ sang một tổ chức gồm 10 thành viên hoạt động với cơ cấu và tuân theo các nguyên tắc. Dù vậy, thực tế hiện nay ASEAN vẫn bị đánh giá là một tổ chức yếu và hoạt động kém hiệu quả.

Các nhà lãnh đạo đã bàn bạc những mục tiêu vì lợi ích cho người dân nhưng những ý kiến từ bên ngoài về việc ASEAN nên phát triển như thế nào, dù từ người dân bình thường hay các tổ chức phi chính phủ lại không được tiếp nhận một cách tích cực.

Có lo ngại: “Việt Nam sẽ không hoan nghênh các hoạt động xã hội dân sự và các tổ chức nhân quyền. Điều này sẽ phủ bóng đen lên ASEAN bởi tổ chức này sẽ phải đề cập tới nó trong hiến chương ASEAN. Trong suốt nhiệm kì làmchủ tịch, Việt Nam sẽ gây những áp lực tới việc thực hiện các điều khoản nhân quyền, những quyền tự do căn bản trong hiến chương ASEAN. Nếu như Việt Nam không chấp nhận cởi mở hơn và thực thi nhân quyền cũng như các quyền tự do căn bản được ghi trong hiến chương ASEAN, điều này sẽ tạo nên lỗ hổng trong hiến chương. Điều đó cũng giống như một trò đùa, một sự phá sản của kế hoạch”.

Dù vậy, ít nhất thì cũng có một điều sẽ không phải khiến mọi người quan tâm khi Việt Nam làm chủ tịch ASEAN. Đó là an ninh.

Vận hội mới của Việt Nam

Việt Nam đang là một điểm nổi bật của Đông Nam Á khi mà các quốc gia lân cận đang chịu ảnh hưởng nặng nề hơn từ cơn suy thoái. Hơn nữa Việt Nam có một lợi thế ổn định chính trị - xã hội mà các nước khác như Philippines, Indonesia, Thái Lan không có.

Thế giới vẫn còn ám ảnh bởi những bất ổn chính trị ở những nước này sau cơn khủng hoảng 1997-1998; mặc dù Indonesia là một nước lớn hơn, có dân số Hồi giáo ôn hòa hơn, là những điểm có giá trị lớn đối với Mỹ. Không những thế, Việt Nam có thể đóng vai trò chuyên nghiệp ở Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, lãnh đạo ở APEC và ASEAN trong những năm tới.

Một thế mạnh khác của Việt Nam cũng được nhiều diễn giả đề cập là hơn 60% dân số ở độ tuổi dưới 30 và với tỷ lệ dân số trẻ cao nhất trong các nước khu vực; như vậy, Việt Nam có tiềm năng phát triển mạnh nhu cầu tiêu dùng trong nước và có nhiều cơ hội đầu tư hơn.

Sức mạnh và năng lực cạnh tranh trong tương lai của Việt Nam tùy thuộc chính yếu vào chính sách giáo dục để tăng giá trị gia tăng của nguồn nhân lực và phát triển hạ tầng cơ sở vật chất đúng mức qua đó giảm giá thành sản xuất và chi phí vận chuyển.

Sự giàu mạnh của một quốc gia ngày nay không còn lệ thuộc vào việc sở hữu các nguồn tài nguyên như tiền, đất đai, tài nguyên thiên nhiên nữa, mà là tùy thuộc vào con người và ý tưởng sáng tạo của họ. Có ý tưởng sáng tạo để tạo ra được những sản phẩm hoặc dịch vụ có giá trị cao và khác biệt. Như vậy giáo dục phải là vấn đề ưu tiên và bức thiết để phát triển vượt tầm.

Bài học thành công của nước bạn Singapore cho chúng ta thấy cần quan tâm đúng mức hơn nữa vai trò của nền giáo dục và chiến lược đào tạo đội ngũ nhân lực trẻ.

Viễn cảnh “Liệu Việt Nam có nổi lên thành nước đứng đầu Đông Nam Á”

Phần lớn các chính khách đều đánh giá Việt Nam đã có những bước phát triển đáng khen nhưng môi trường kinh doanh vẫn chưa thật minh bạch, khiến cho hiệu suất đầu tư thấp, ảnh hưởng đến tính cạnh tranh trên trường quốc tế.

Virginia B. Foote, nguyên Chủ tịch Hội đồng Thương mại Mỹ - Việt, Việt Nam dù chủ trương hội nhập và đã trở thành một nền kinh tế mở; “nhưng khi mở ra thì trong nhà vẫn còn rối rắm về môi trường kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, thủ tục kế toán đúng chuẩn mực quốc tế, đảm bảo người dân đóng thuế đầy đủ.... Việt Nam còn phải dọn dẹp nhiều thứ trong nhà mình”.

Trong thương mại, các giao dịch ở ngoài biên giới Việt Nam đạt chuẩn quốc tế, nhưng bên trong còn cần có sự điều chỉnh… Vào Việt Nam, các doanh nghiệp hiện vẫn phải học cách làm ăn của Việt Nam, với những tiêu chuẩn riêng không tương thích với chuẩn quốc tế… Việt Nam cần thay đổi nguyên tắc và cách thức làm ăn, đúng chuẩn quốc tế.

“Việt Nam sẽ hướng tới đâu trên con đường phát triển? Việt Nam rất giỏi giải quyết vấn đề ngắn hạn. Nhưng để vượt lên tầm trên… Việt Nam phải can đảm hơn”.

“Chính phủ cần ở vị trí đi đầu, chủ động chứ không phải chỉ nhạy theo mức nước”, ông Johnathan Pincus, nguyên Kinh tế gia trưởng UNDP Việt Nam, nhấn mạnh.

Cuộc khủng hoảng kinh tế lần này dẫn đến sự lao đao cho nhiều quốc gia cũng đã cho Việt Nam nhiều bài học quý báu. Điển hình là sự nhập nhằng trong hoạt động giữa ngân hàng thương mại và các lĩnh vực đầu tư khác mà Mỹ đã gặp phải.

Đó là việc cho phép ngân hàng thương mại đầu tư tràn lan ngoài ngành đầy rủi ro, dẫn đến sự sụp đổ của hệ thống tài chính và cuối cùng nền kinh tế bị suy thoái nghiêm trọng. Đây cũng là tình trạng đang xảy ra ở Việt Nam mà tính rủi ro rất cao, nếu không chấn chỉnh kịp thời sẽ khó tránh khỏi hệ lụy lâu dài, thậm chí lụn bại.

Mới đây, tờ báo US News của Mỹ sau khi tham khảo các nguồn đánh giá tín dụng quốc tế như Moody’s, S&P’s, Markit và AM Best, đã xếp hạng Việt Nam là một trong những nước có rủi ro tài chính cao. Mặc dù Việt Nam có thể đạt được tăng trưởng khoảng 4,5% theo dự đoán của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), cao nhất trong các nước Đông Nam Á, nhưng tình hình tài chính Việt Nam bị đánh giá “rất rủi ro”, đặc biệt là vì “hạ tầng cơ sở của hệ thống tài chính Việt Nam còn yếu kém và hệ thống hành chính còn quá cồng kềnh”.

Rõ ràng là trong giai đoạn khủng hoảng này, Việt Nam đang đứng trước một vận hội mới, có những cơ hội đặc biệt rất thuận lợi để thật sự phát triển đúng với tiềm năng của đất nước. Thách thức và những vấn đề trước mắt hoàn toàn tùy thuộc vào sự quyết tâm và nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa của toàn xã hội chúng ta.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Hội nhập thành công phải là theo kịp bước đi của thời đại

    23/08/2016Minh ĐứcNăm 1907, phong trào Duy tân được phát động với mục đích mở ra một cuộc hội nhập cho dân tộc nhưng cuối cùng thất bại. Cuối năm 2006, Việt Nam gia nhập WTO, đánh dấu việc Việt Nam chính thức hội nhập với thế giới. Với góc nhìn “hồi cố”, ĐBQH, Nhà sử học Dương Trung Quốc đã có những đánh giá sắc sảo về tiến trình hội nhập của Việt Nam qua đối thoại cuối năm với người đai biểu nhân dân…
  • Tư duy địa kinh tế - địa chính trị

    23/05/2016Nguyễn Trần BạtGần 30 năm trôi qua kể từ khi chiến tranh kết thúc, khoảng thời gian đủ dài để một đất nước phát triển tới tầm cao mới về chất, nhưng Việt Nam vẫn không thể phát triển, trái lại vẫn mắc kẹt trong những tình thế kinh tế - chính trị bất lợi. Nguyên nhân của tình trạng này có phần rất lớn thuộc về trách nhiệm của công tác hoạch định chiến lược phát triển kinh tế...
  • Ông Nguyễn Trần Bạt giao lưu: Việt Nam gia nhập WTO - Cơ hội và thách thức

    08/10/2015Việt Nam gia nhập WTO là một sự kiện vô cùng hệ trọng. Ngoài cuộc Cách mạng Tháng Tám và cuộc Giải phóng Miền Nam ra, tôi chưa thấy việc gì hệ trọng hơn việc nước chúng ta gia nhập WTO. Đây là một quyết định chính trị vô cùng sáng suốt...
  • Toàn cầu hóa và hội nhập văn hóa

    21/01/2015Đinh Quang TổnToàn cầu hóa là một xu thế không thể cưỡng lại đối với tất cả các quốc gia. Chủ động để hội nhập là một thái độ tích cực, khôn ngoan. Chủ động hội nhập là khẳng định đường hướng có chiến lược, có chiến thuật, có kế hoạch cho tùng bước đi. Chủ động hội nhập sẽ khai thác được nhiều nhất những thuận lợi, những cơ hội để dân tộc có nhiều lợi ích nhất...
  • Hội nhập không chấp nhận quản lý tồi

    05/07/2008Hoàng DzựDù muốn hay không, để phát triển kinh tế xã hội vững mạnh thì cần thiết phải hội nhập với kinh tế thế giới, việc đó giống như một dòng sông cần kết nối với nhiều dòng khác để tránh tình trạng khi thì bị lũ dâng cao, khi thì bị cạn dòng trơ đáy...
  • Lại bàn về WTO

    14/06/2006Vũ Khoan, Phó thủ tướng Chính phủGần đây, dư luận nước ta lại nóng lên xung quanh việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Điều đó cũng dễ hiểu vì với việc kết thúc đàm phán song phương và tuần trước vừa ký thỏa thuận về việc này với Hoa Kỳ - đối tác cuối cùng trong số 28 đối tác yêu cầu đàm phán - khả năng Việt Nam gia nhập WTO không còn xa và nền kinh tế nước ta sắp hội nhập đầy đủ vào nền kinh tế thế giới...
  • Học cách tư duy mới trong một thế giới thay đổi

    17/03/2006Lê Đăng DoanhTrở về sau chuyến công tác dài ngày ở Thượng Hải, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh đã có bài nói chuyện tại Câu lạc bộ Doanh nghiệp VN. Bàn về kinh doanh trong thời kỳ mới, ông nhấn mạnh rằng đã đến lúc doanh nghiệp VN cần học cách tư duy mới trong một thế giới đang thay đổi quá nhanh chóng...
  • Những khó khăn khi gia nhập WTO

    22/07/2005Đặng Hồng QuangViệt Nam cần khẳng định quyết tâm tham gia một sân chơi bình đẳng, tôn trọng lợi ích của các quốc gia khác, đặc biệt là với các đối tác có tiềm năng xung đột cạnh tranh nhưng đồng thời phải thuyết phục để họ hiểu thực trạng kinh tế Việt Nam và có những nhân nhượng thỏa đáng...
  • Hội nhập quốc tế: Cơ hội và thách thức đối với giá trị truyền thống trong điều kiện toàn cầu hóa

    19/07/2005Nguyễn Trọng ChuẩnQuá trình toàn cầu hóa đang diễn ra hiện nay là hệ quả của sự phát triển vô cùng mạnh mẽ, mang tính chất đột biến của khoa học và công nghệ cao, nhất là công nghệ thông tin. Các phương tiện hiện đại của công nghệ thông tin, trước hết là mạng Internet, mạng viễn thông toàn cầu, cáp quang xuyên đại dương, các mạng kết nối siêu lộ thông tin, … đã tạo ra kết cấu hạ tầng kỹ thuật của toàn cầu hóa.
  • xem toàn bộ