Suy đoán vô tội và suy đoán có tội
Chống tham nhũng dễ hay khó? Nhiều người nói rằng khó vì rất khó có được bằng chứng nhận hối lộ hay lợi dụng chức vụ để trục lợi một cách tinh vi. Đó là nguyên nhân vì sao dư luận kêu ca nhiều, nhưng số vụ đưa ra xét xử lại vô cùng ít. “Chúng tôi có nghe nói, nhưng không có bằng chứng…” là câu trả lời thường thấy ở các cơ quan có trách nhiệm chống tham nhũng.
Khi thảo luận Luật phòng chống tham nhũng, một số đại biểu quốc hội tỏ ý lo ngại một vài điểm của dự luật có thể mâu thuẫn với Bộ luật hình sự và Tố tụng hình sự, ví dụ như quy định công chức phải kê khai và giải trình nguồn gốc tài sản, tài sản nào không có nguồn gốc minh bạch, hợp pháp sẽ bị coi là tham nhũng và bị tịch thu. Theo các đại biểu đó, làm thế e vi phạm nhân quyền, hơn nữa chứng minh hành vi tội phạm phải là việc của cơ quan điều tra chứ không phải của đối tượng.
Dường như người ta đã lẫn lộn giữa luật hình sự và luật chống tham nhũng. Luật hình sự áp dụng cho mọi công dân, với hình phạt là tước quyền tự do hay thậm chí cả mạng sống, vì thế phải hết sức thận trọng khi thi hành. Luật hình sự do đó tuân theo nguyên tắc suy đoán vô tội (presumption of innocence), đòi hỏi phải có đủ bằng chứng phạm tội, và việc tìm ra, chứng minh tội phạm là việc của cơ quan tố tụng. Rất dễ hiểu là dùng luật hình sự để chống tham nhũng sẽ hết sức khó khăn, và người dân khó mà tham gia.
Luật chống tham nhũng lại khác, nó dành riêng cho công chức, tức công bộc của dân, một nhóm nhỏ nhưng lại nắm quyền lực và vì thế sự cám dỗ của việc lợi dụng quyền lực để trục lợi là rất lớn. Tội phạm tham nhũng có đặc điểm dễ thực hiện nhưng khó phát hiện. Để chống lại nó, không thể làm như luật hình sự, mà cần cách khác. Đó là chỉ cần dựa vào biểu hiện tham nhũng là có thể xử lý ngay mà không cần truy đến cùng xem công chức đó đã có hành vi vi phạm cụ thể gì. Biểu hiện rõ nhất là các khoản chi tiêu, các tài sản vượt quá mức thu nhập. Nếu công chức không giải trình được phải bị coi là tham nhũng (không cần biết đó là tham ô, nhận hối lộ hay lợi dụng chức vụ để trục lợi…), tài sản đó bị tịch thu, còn công chức bị cách chức, sa thải. Điều này không vi phạm nhân quyền, vì Hiến pháp chỉ bảo hộ tài sản hợp pháp, và về nguyên tắc thì mọi nguồn thu nhập, tài sản hợp pháp đều công khai, không có gì là bí mật. Còn nếu có bằng chứng tham ô, nhận hối lộ… thì sẽ bị xử lý tiếp theo luật hình sự. Như vậy có thể nói luật chống tham nhũng dựa trên nguyên tắc suy đoán có tội (presumption of guilt): trách nhiệm chứng minh mình trong sạch thuộc về công chức. Muốn làm công chức – hãy chấp nhận luật chơi đó!
Điều này tương tự hoạt động của cơ quan thuế. Cơ quan thuế không có trách nhiệm chứng minh khoản chi phí nào đó của doanh nghiệp là không hợp lệ, mà chính doanh nghiệp phải chứng minh sự hợp lệ bằng các chứng từ cần thiết. Nếu không, cơ quan thuế sẽ xuất toán, chả cần quan tâm chi phí đó thực chất doanh nghiệp dùng vào việc gì.
Luật phòng chống tham nhũng vì thế không nên dẫm chân lên luật hình sự. Nếu được xây dựng theo nguyên tắc nói trên nó sẽ có tác dụng phòng ngừa rất lớn, bởi triệt tiêu động cơ tham nhũng. Nếu công chức cảm thấy liều lĩnh phạm pháp để kiếm chác nhưng không được sử dụng những đồng tiền đó để mua nhà, sắm xe hơi, cho con du học, chi tiêu xả láng… thì cái “máu” tham nhũng chắc sẽ nguội đi đáng kể. Họ sẽ hiểu rằng muốn giàu có thì làm doanh nhân chứ đừng làm công chức. Mặt khác, áp dụng luật phòng chống tham nhũng vừa đơn giản hơn, vừa mang lại hiệu quả thiết thực cho ngân sách, chứ không như luật hình sự có thể bỏ tù hoặc tử hình tội phạm, nhưng hầu như chẳng thu lại được chút gì trong khối tài sản khổng lồ của tội phạm đó.
Và nếu thực thi luật chống tham nhũng theo tinh thần nêu trên thì câu nói “toàn dân tham gia chống tham nhũng” sẽ trở thành hiện thực đáng sợ cho những ai đã trót nhúng chàm, chứ không chỉ là khẩu hiệu suông. Bởi hơn ai hết, chính người dân sẽ nhanh chóng phát hiện bất cứ biểu hiện giàu có bất chính nào của các công chức, làm cơ sở để cơ quan chống tham nhũng vào cuộc.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn