Biện minh cho chi phí viện trợ
Thưa tiến sĩ Adler,
Từ Thế chiến 2 chúng ta đã chìm ngập trong những chương trình viện trợ tái thiết và phát triển cho nước ngoài. Rất nhiều chương trình loại này đã có những khoản tặng hơn là những khoản cho vay sẽ hoàn trả trong tương lai. Có lý do kinh tế hợp lý nào cho việc chúng ta phải can dự vào những hoạt động từ thiện bất thường này không? Hoặc ta có lý do đạo đức nào nặng hơn các lý do kinh tế khiến chúng ta phải làm việc này không, nhất là khi nó đi ngược lại quyền lợi vật chất của chúng ta?
C.P.
C.P. thân mến,
Những công trình vĩ đại nghiên cứu trước đây không cho chúng ta những chỉ dẫn cụ thể về việc viện trợ cho nước ngoài vì những động cơ vô vị lợi. Tuy nhiên, hình thức viện trợ cho nước ngoài được dựa trên những quan niệm đã có từ xưa trong truyền thống mang tính tôn giáo của chúng ta về việc giúp đỡ và chia sẻ giữa con người với nhau. Theo Cựu Ứơc, người nghèo có quyền – chứ không chỉ do “từ thiện” trong ý nghĩa hiện đại ngày nay- lấy đủ thức ăn cho gia đình mình từ những thửa ruộng của người giàu. Lẽ công bằng đòi hỏi điều này ở người giàu, kẻ nhờ Chúa mà sở hữu được tất cả những gì anh ta có và có nghĩa vụ phải chia sẻ nó với những người anh em kém may mắn hơn.
Điều răn dạy này, tuy nhiên, chỉ áp dụng cho những con người sống trong cùng một cộng đồng. Rồi sau này, mối quan hệ giữa các quốc gia bao gồm việc buôn bán, liên minh và xung đột võ trang. Khi những cường quốc hiện đại phát triển, có những khoản ngân sách được dành cho những quốc gia khác, nhưng luôn luôn đi kèm với những lý do kinh tế hoặc chiến lược, chứ không do tình huynh đệ nữa. Trong khi điều răn dạy ngày xưa buộc mọi người tha nợ cho nhau vào những năm “đại xá”, thì thái độ mẫu mực giữa các quốc gia được thu tóm lại tài tình nhất qua câu nói “Họ đã vay tiền mà, phải không?” của Calvin Coolidge(1) khi bàn về các khoản mà Đồng minh trong Thế chiến I phải trả cho Mỹ.
Những người hiện nay ủng hộ chính sách “đèn nhà ai nấy rạng” trong quan hệ giữa các cá nhân và các quốc gia đôi khi đã viện dẫn những ý kiến của Adam Smith hay Charles Darwin để biện minh cho mình. Smith tin rằng việc cá nhân mưu cầu quyền lợi riêng trong một thị trường tự do sau cùng sẽ có lợi cho an sinh của cả cộng đồng. Tuy nhiên ông cũng thấy rằng các quốc gia đều nằm trong một nền kinh tế toàn cầu, trong đó các hành động và phản ứng của các cá nhân đều có ảnh hưởng tới sự thịnh vượng của quốc gia.
Tương tự, Darwin đã nhấn mạnh đến cuộc đấu tranh sinh tồn và khả năng sống còn của những loài giỏi giang nhất, xem đó như cách giải thích nguồn gốc và sự phát triển của các loài sinh vật. Tuy nhiên ông cũng nhấn mạnh yếu tố hỗ trợ và thông cảm lẫn nhau, xem đó như điều cốt yếu cho sự tồn tại các nhóm người cũng như động vật, cũng như sự hợp tác qua lại giữa các giống loài cùng tồn tại trong một môi trường. Những người theo chủ nghĩa xã hội kiểu Darwin đã bỏ quên những yếu tố này khi áp dụng thuyết Darwin vào mối quan hệ giữa người và người.
Từ Thế chiến II, Mỹ đã cấp viện trợ cho nước ngoài vừa để củng cố địa vị chiến lược của mình trong Chiến tranh lạnh, vừa để giúp đỡ và cứu trợ kinh tế cho những quốc gia đang cơn cấp bách, bên ngoài những lý do chiến lược. Kế hoạch Marshall là một chương trình giúp phục hồi kinh tế châu Âu, và trên nguyên tắc, có thể dành cho bất kỳ quốc gia châu Âu nào cần đến nó và đề nghị được trợ giúp. Chính “tinh thần Marshall” này là điều mà nhà kinh tế tự do Anh, Barbara Ward, đã kêu gọi thế giới Tự do hướng tới trong cuốn The Rich Nations and the Poor Nations(“Các nước giàu và các nước nghèo”) của bà.
Bà Ward tin rằng sống giàu có mà lại thờ ơ với những ước mong và nguyện vọng của người nghèo sau cùng sẽ dẫn tới một tâm hồn khô chết và một tinh thần mù lòa – ở từng con người cũng như ở các quốc gia. Bà cho rằng nếu các nước giàu giúp các nước nghèo có được cuộc sống sung túc hơn, thì không những họ làm được một việc hợp đạo đức mà còn góp phần tăng tiến an sinh cho chính quốc gia của mình nữa, bởi vì mọi quốc gia đều có liên hệ với nhau và dân nước này có thể đang sống ở nước khác.
Tính toàn cầu hóa được thấy rõ qua trường hợp Eugene Black, một chủ ngân hàng đầu tư ở Atlanta, bang Georgia, ông ta là một trong những nhân vật quan trọng trong việc phát triển và thực thi lương tâm xã hội toàn cầu thông qua vai trò Chủ tịch Ngân hàng thế giới. James Reston viết trên tờ The New York Timesđã ghi nhận rằng từ lâu Black đã thừa nhận rằng “những khác biệt quá lớn lao giữa các nước giàu và các nước nghèo là không thể chấp nhận được,” và rằng các nước giàu phải gánh lấy trách nhiệm “xuất khẩu cuộc cách mạng công nghiệp” sang các nước kém phát triển. Như thế, lương tâm xã hội mà các Tiên tri thời cổ hằng kêu gọi đã kết hợp vào với những công cụ tín dụng quốc tế theo một cách thức mà hồi thế kỷ 19 chưa từng tưởng tượng ra được.
(1)Calvin. Coolidge: tổng thống thứ 30 của Mỹ, nắm quyền từ 1923 đến 1929.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngTri thức có thúc đẩy quá trình tiến hóa hay không?
26/07/2006Đỗ Kiên Cường